Tham gia dân quân 4 năm ở khu phố có được miễn nghĩa vụ quân sự?
Bộ Quốc phòng vừa nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024, với nội dung:
“Kiến nghị Bộ Quốc phòng rà soát, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến điều chỉnh, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự về việc thanh niên trong độ tuổi là nguồn nghĩa vụ quân sự mà đang tham gia lực lượng dân quân tại chỗ ở khu phố, ấp trong thời gian 4 năm phục vụ tại địa phương hoàn thành nhiệm vụ thì được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhằm động viên, tạo động lực cho thanh niên tham gia làm nhiệm vụ tại các khu phố, ấp. Vì hiện nay tuyển chọn thanh niên trong nguồn nghĩa vụ quân sự tham gia lực lượng dân quân tại khu phố, ấp tại địa phương gặp nhiều khó khăn”.
Cử tri đề xuất miễn nghĩa vụ quân sự cho thanh niên tham gia lực lượng dân quân tại chỗ sau 4 năm phục vụ. Bộ Quốc phòng đang nghiên cứu đề xuất này. |
Trường hợp nào được miễn nghĩa vụ quân sự?
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Quốc phòng dẫn Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung tại khoản 1 Điều 49 Luật Dân quân tự vệ năm 2019 quy định các trường hợp sau đây được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, gồm:
“Dân quân thường trực có ít nhất 24 tháng phục vụ thì được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình do Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc trưởng thôn nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Hoàn thành nhiệm vụ tham gia Công an xã liên tục từ đủ 36 tháng trở lên.
Cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên, đã được đào tạo và phong quân hàm sĩ quan dự bị. Thanh niên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp tình nguyện phục vụ tại đoàn kinh tế - quốc phòng từ đủ 24 tháng trở lên theo Đề án do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Công dân phục vụ trên tàu kiểm ngư từ đủ 24 tháng trở lên”.
Theo Bộ Quốc phòng, quy định trên đã bảo đảm quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân được thực hiện thông qua nhiều hình thức như việc công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc công dân thực hiện nghĩa vụ khác như: Xung phong làm việc tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo; tham gia lực lượng công an; tham gia lực lượng dân quân tự vệ…
Tuy nhiên, đến nay, đã có nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và một số Luật được Quốc hội ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung có liên quan đến lĩnh vực nghĩa vụ quân sự. Bên cạnh đó, quá trình triển khai tổ chức thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn.
Sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, báo cáo, đề xuất Chính phủ vào thời điểm phù hợp
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 924/VPCP-NC ngày 12/02/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc giao Bộ Quốc phòng lập đề nghị sửa đổi, bổ sung các Luật và Nghị định có liên quan đến Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 theo đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020.
Bộ Quốc phòng đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ nghiên cứu lập đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; tổ chức tổng kết 8 năm thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 (giai đoạn 2016 - 2023), đánh giá tình hình thi hành Luật và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nghĩa vụ quân sự.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Quốc phòng tiếp tục nghiên cứu tổng thể, thấu đáo, đánh giá đầy đủ các chính sách và tác động liên quan đối tượng công dân tham gia lực lượng dân quân tại chỗ ở khu phố, ấp; báo cáo, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 vào thời điểm phù hợp khi có đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn, bảo đảm khoa học, khả thi.