Chủ nhật 22/12/2024 17:27

Thái Nguyên: Tăng cường xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP

Tỉnh Thái Nguyên và các chủ thể sản phẩm OCOP chủ trương mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ra ngoài tỉnh, xuất khẩu bằng nhiều hình thức.

Sản phẩm OCOP có bước tiến về chất lượng

Được triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ năm 2019, sau 5 năm thực hiện, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp của Thái Nguyên, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân khu vực nông thôn.

Tính đến tháng 3/2024, Thái Nguyên đã có 240 sản phẩm OCOP (trong đó có 149 sản phẩm 3 sao, 89 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 5 sao).

Khách tham quan, tìm hiểu về văn hoá trà tại không gian giới thiệu sản phẩm OCOP Thái Nguyên

Trong xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các sở, ngành và các hợp tác xã, đơn vị không chạy theo số lượng mà chú trọng nâng cao chất lượng. Bên cạnh tiêu chuẩn chung của Nhà nước, tỉnh ban hành tiêu chuẩn riêng là sản phẩm đạt OCOP phải có vùng nguyên liệu, sản lượng (đủ lớn) ổn định, có quy trình sản xuất tiên tiến, đặc biệt chú trọng trong khâu chế biến.

Bởi vậy, các sản phẩm được công nhận OCOP ở Thái Nguyên là những sản phẩm có chất lượng, giá trị. Nhiều sản phẩm khẳng định được vị thế, uy tín trên thị trường như: Chè tôm nõn của Hợp tác xã chè Hảo Đạt, miến Việt Cường của Hợp tác xã miến Việt Cường, gà đồi Phú Bình, tương Úc Kỳ, nõn măng nứa và mộc nhĩ khô Võ Nhai…

Tại Hợp tác xã chè Hảo Đạt hiện có 5 sản phẩm OCOP, trong đó có một sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia. Từ năm 2019 đến 2023, doanh số bán hàng của hợp tác xã đều tăng hơn 30%, trung bình đạt 5-6 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 20-30 lao động với mức thu nhập bình quân 4,5-6 triệu đồng/người/tháng.

Các nhà sáng tạo nội dung tham quan vườn chè của Hợp tác xã chè Hảo Đạt

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Đạt cho biết, ngoài việc phải tuân thủ theo quy trình sản xuất nghiêm ngặt, rõ ràng, mỗi sản phẩm đều được chế biến theo tiêu chuẩn an toàn và có mã QR để truy xuất nguồn gốc. Vì có nhiều đơn vị cùng sản xuất, kinh doanh mặt hàng này nên nếu không làm tốt, làm chuẩn thì không thể bán được hàng.

Với tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp, không chỉ sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng mà hợp tác xã còn tạo thêm giá trị gia tăng từ sản phẩm nông nghiệp, đó là gắn với các hoạt động quảng bá, giới thiệu, thăm quan trải nghiệm về truyền thống, văn hóa, đặc sản của vùng miền.

Tương tự, Hợp tác xã chế biến nông sản Võ Nhai là một trong những hợp tác xã hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp của địa phương. Ông Lê Văn Hiếu, Giám đốc hợp tác xã chia sẻ: Sau khi được chứng nhận OCOP 4 sao, 2 sản phẩm là nõn măng nứa Võ Nhai và mộc nhĩ khô Võ Nhai đã được gửi đi tham gia các hội chợ, ngày hội quảng bá nông sản khắp cả nước và một số hội nghị, hội thảo quốc tế về nông sản. Đồng thời, quảng bá, chào bán trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử.

"Từ cuối năm 2022, sản phẩm của hợp tác xã đã xuất khẩu sang Nhật Bản và Singapore. Đây là hai thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm nhưng lại rất tiềm năng đối với các sản phẩm của hợp tác xã như: Mộc nhĩ khô, măng nõn nứa, đậu tương…", ông Hiếu nói và cho biết chỉ tính riêng 2 sản phẩm OCOP đã đem về cho hợp tác xã doanh thu khoảng 7 tỷ đồng, với trên 20 tấn thành phẩm xuất bán mỗi năm.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu

Đánh giá về chương trình OCOP, ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho rằng, chương trình đã có sức lan tỏa lớn, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời quan tâm đến vấn đề xây dựng bộ nhận diện của sản phẩm để tạo thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, khi triển khai chương trình này, đã thúc đẩy sự liên kết từ sản xuất nhỏ đến sản xuất lớn, liên kết các hộ với nhau thành tổ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp.

Đây là một lợi thế rất lớn để các sản phẩm của tỉnh tham gia các sản thương mại điện tử, nền tảng xã hội, bởi chất lượng các sản phẩm đã được các ngành chức năng thẩm định và đánh giá.

Đa dạng hình thức kết nối

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Thái Nguyên cho biết, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP. Hàng năm, tỉnh tổ chức ít nhất 2 hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đến người tiêu dùng nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh tổ chức các sự kiện kết nối, quảng bá trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Xúc tiến thương mại cũng đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hàng nông sản tham gia hội chợ, festival tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; kết nối trưng bày và bán sản phẩm tại các siêu thị, trung tâm thương mại.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ thiết kế, in ấn, tem nhãn, bao bì sản phẩm; duy trì, phát triển các phần mềm bản đồ số làng nghề...

Đến nay, toàn tỉnh đã có 2.600 sản phẩm của hơn 240 đơn vị, trong đó có 173 sản phẩm OCOP, 60 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước như: Postmart.vn, Lazada.vn, Tiki.vn, Alibaba.com...

Quảng bá sản phẩm OCOP Thái Nguyên tại trạm dừng nghỉ trên cao tốc

Việc quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP cũng được thực hiện ở các siêu thị, điểm du lịch, điểm dừng nghỉ trên cao tốc. Tại hai trạm dừng nghỉ Hải Đăng bên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên rộng hàng nghìn m2, được thiết kế sạch đẹp, văn minh, trưng bày và bán hàng trăm sản phẩm OCOP của tỉnh, mỗi ngày thu hút hàng nghìn người dừng chân tham quan, mua hàng, tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm cho các chủ thể.

Năm 2024, các hoạt động xúc tiến thương mại trọng tâm được Sở Công Thương đề ra là: Tổ chức Hội chợ triển lãm "Công Thương - OCOP, Thái Nguyên 2024", Festival nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch - Thái Nguyên 2024; Chương trình xúc tiến sắc màu nông sản thời kỳ 4.0 - Thái Nguyên 2024; các chương trình tuần nông sản, tuần hàng Việt, xúc tiến, kết nối tiêu thụ nông sản.

Ngoài ra, Sở Công Thương tiếp tục triển khai các chương trình đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", như: Phiên chợ “Đưa hàng Việt về miền núi", Chương trình kích cầu tiêu tiêu dùng nội địa gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; tham gia các chương trình triển lãm, kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố và nước ngoài.

"Hoạt động xúc tiến thương mại đã mở ra cơ hội tốt để doanh nghiệp, hợp tác liên doanh, liên kết với các tổ chức, nhà đầu tư trong nước và quốc tế, từ đó tìm kiếm cơ hội phát triển; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP", ông Toàn nhấn mạnh.

Chí Tâm
Bài viết cùng chủ đề: Thái Nguyên

Tin cùng chuyên mục

Sóc Trăng: Nông dân kỳ vọng lớn vào vụ hành tím sớm phục vụ Tết

Tuyên Quang: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp huyện Na Hang tăng 12%

Thanh Hóa: Triển khai có hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững

Đồn Biên phòng Lũng Cú tiếp tục trồng cây xanh bảo vệ biên giới

Bài 2 - Tự hào vì quê hương có nhà máy điện hạt nhân

Sở Công Thương Hà Giang: Quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Khai mạc Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2024

Quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An năm 2024

Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh thành khu kinh tế năng động, thông minh

Kết nối đầu tư, thương mại và du lịch 2 tỉnh Sơn La và Thanh Hóa

Hậu Giang: Phát triển công nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 1 - Đồng thuận và mong chờ

Đồng Tháp: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,75%, cao hơn bình quân cả nước

Ngành Công Thương Thanh Hóa triển khai hiệu quả khuyến công, góp phần xóa đói giảm nghèo

Vĩnh Phúc: Người dân, doanh nghiệp là trung tâm của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Phê chuẩn kết quả bầu ông Dương Minh Dũng làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Sóc Trăng: Nông dân ‘đổi đời’ nhờ xuất khẩu vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ

Giao lưu văn hóa giữa lực lượng biên phòng Hà Giang (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc)

Bài cuối - Giải pháp đưa Chương trình OCOP phát triển bền vững

Khởi công cụm công nghiệp Bắc Sơn 2, vốn đầu tư hơn 280 tỷ đồng