Chủ nhật 24/11/2024 17:45

Thái Bình: Đứng đầu Đồng bằng sông Hồng, thứ 3 cả nước về chỉ số sản xuất công nghiệp

Cùng với sự quyết tâm, sự sáng tạo trong thu hút đầu tư, sản xuất công nghiệp đang trở thành “trụ cột”, động lực dẫn dắt tăng trưởng của tỉnh Thái Bình.

Nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế

Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình vừa tổ chức kỳ họp thứ 6 khóa XVII. Phát biểu tại kỳ họp này, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận cho biết: 6 tháng đầu năm 2023 với sự quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, linh hoạt các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội nên Thái Bình đã đạt được một số kết quả tích cực, trong đó nổi bật là: Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh tăng 7,77% (đứng thứ 10 cả nước và thứ 5 khu vực Đồng bằng sông Hồng), trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng đóng góp hơn 70% vào chỉ số tăng trưởng của tỉnh (tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2022, đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 3 cả nước.

Lĩnh vực nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định, đạt mức tăng 2,3%. Xây dựng nông thôn mới nâng cao tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện theo hướng thực chất, hiệu quả, đến nay đã có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí mới.

Đáng chú ý, kết quả tích cực trong công tác giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục đưa Thái Bình nằm trong top dẫn đầu của cả nước (tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng ước thực hiện đạt 49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ).

Công tác xúc tiến thu hút đầu tư của Thái Bình được quan tâm chỉ đạo với một số hoạt động có chiều sâu và thực chất. Ngay từ đầu năm nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã sớm tổ chức đoàn công tác đi xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc; tổ chức làm việc với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, ký được một số thỏa thuận hợp tác đầu tư quan trọng với các đối tác lớn, nổi bật là: Việc ký thỏa thuận hợp tác (MOU) giữa UBND tỉnh với liên danh các nhà đầu tư về việc thành lập khu công nghiệp Dược - Sinh học tại huyện Quỳnh Phụ, khi được thành lập đây là khu công nghiệp Dược - Sinh học đầu tiên của cả nước. Đặc biệt, trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc tới Việt Nam dưới sự chứng kiến của 2 nguyên thủ quốc gia Việt Nam - Hàn Quốc, UBND tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Nhà đất Hàn Quốc (LH) về hợp tác đầu tư phát triển đô thị, nhà ở, khu công nghiệp...

Khu công nghiệp Liên Hà Thái đang trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư tại Thái Bình

Công tác lập quy hoạch và chỉnh trang đô thị có nhiều kết quả nổi bật, tỉnh đã phê duyệt nhiều đồ án quy hoạch quan trọng làm cơ sở, căn cứ để quản lý, lập dự án và xây dựng, phát triển đô thị; việc chấp thuận chủ trương đầu tư, thực hiện các thủ tục để lựa chọn các chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở có nhiều chuyển biến tích cực và mang lại kết quả tốt hơn so với năm 2022. Đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 38 dự án theo hình thức đấu thầu dự án đến nay đã lựa chọn được chủ đầu tư và đàm phán, ký kết hợp đồng đối với 9 dự án và đang thực hiện đấu thầu 29 dự án và sẽ có kết quả sớm trong thời gian tới .

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Năm 2022, nhiều chỉ số hành chính tăng bậc so với năm 2021 (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp hạng 28/63 tỉnh, thành phố, tăng 19 bậc; chỉ số cải cách hành chính (Par Index) tăng 7 bậc và chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố, tăng 27 bậc).

Công tác quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Chỉ số thiết chế pháp lý và an ninh trật tự xếp thứ 2 toàn quốc, tăng 44 bậc so năm 2021. Thái Bình là 1 trong 19 tỉnh, thành phố cả nước đã hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân trước thời hạn.

Khát vọng phát triển đang tạo ra khí thế mới

Nhìn nhận đánh giá về những kết quả mà Thái Bình đã đạt được trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng: Trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế của Thái Bình duy trì phát triển ổn định với tốc độ tăng trưởng đạt 7,77%, cao hơn bình quân chung của cả nước, xếp thứ 10/63 tỉnh thành của cả nước và xếp thứ 5 vùng đồng bằng sông Hồng.

Trong đó các chỉ tiêu sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ ... đều tăng khá; Trong đó công nghiệp tăng 15,17%, là tỉnh đứng đầu trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 3 cả nước. Đây là nỗ lực rất lớn”- Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thái Bình đang trở thành điểm sáng trong sản xuất công nghiệp của Đồng bằng sông Hồng

Đồng thời, công tác xúc tiến đầu tư, thương mại được chú trọng quan tâm, nhiều dự án lớn đã và đang đầu tư, làm diện mạo của tỉnh thay đổi nhanh chóng theo hướng văn minh, hiện đại, làm tăng đáng kể quy mô kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, Thái Bình có 2 khu công nghiệp trong Khu kinh tế Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là khu công nghiệp Liên Hà Thái, huyện Thái Thụy và khu công nghiệp Hải Long, huyện Tiền Hải. Trong đó, khu công nghiệp Liên Hà Thái đã được triển khai với tiến độ rất nhanh, đến nay đã thu hút được nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, đã thu hút trên 1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong hơn 2 năm tính từ lúc bắt đầu triển khai. Đây là một động lực quan trọng, cũng là kinh nghiệm tốt để Thái Bình phát triển trong những năm tiếp theo. Cả 2 lần Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về thăm và làm việc tại Thái Bình đều đến thăm, khảo sát và chỉ đạo trực tiếp và đánh giá rất cao nỗ lực của tỉnh.

Kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh đang phát triển mạnh mẽ, đồng bộ, làm tăng đáng kể vị thế của Thái Bình trong vùng, kết nối với các địa bàn quan trọng khác. Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua Nam Định và Thái Bình; tuyến đường bộ ven biển Thái Bình - Hải Phòng sắp tới sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển, nhất là các lĩnh vực công nghiệp cơ khí chế tạo, dịch vụ; công nghiệp cảng biển và du lịch.

Tỉnh cũng đã tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp với cách làm hiệu quả bằng kết hợp vốn ngân sách kết hợp với sự đóng góp quan trọng của nhân dân. Diện mạo đô thị, nông thôn Thái Bình được cải thiện theo hướng văn minh, hiện đại; đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được cải thiện, từng bước có nâng cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định còn cho rằng, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia của các cấp, các ngành, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện rất rõ rệt. Thái Bình đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thi hành công vụ với phương châm: “lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc”.

Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đánh giá về những kết quả nổi bật, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Thái Bình đã triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, đã được cụ thể hóa bằng những quy hoạch, kế hoạch, chương trình hành động, dự án cụ thể và thực hiện có kết quả tốt với tiến độ nhanh. Thái Bình đã làm được nhiều việc, thực hiện nhiều dự án mà những năm trước chưa làm được.

Điều đó khẳng định, Thái Bình đang đi đúng hướng và tự tin để đi theo hướng này, quyết tâm phát triển mạnh hơn theo định hướng đó. Trong đó, bên cạnh sự phát triển toàn diện các lĩnh vực và địa bàn trong tỉnh thì tỉnh đã tập trung vào các khâu trọng yếu cơ bản, các khâu trọng điểm đột phá. Đó là phát triển khu kinh tế, các khu công nghiệp, phát triển thành phố Thái Bình thành trung tâm, động lực phát triển của cả tỉnh, là đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của cả tỉnh”- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhìn nhấn mạnh.

Qua theo dõi và tiếp xúc cử tri tại các huyện từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận thấy không khí đổi mới trong toàn tỉnh đang được triển khai trong phạm vi rộng. Khát vọng phát triển đang tạo ra khí thế thi đua giữa các huyện và thành phố. Trong đó, TP. Thái Bình đang trở thành đầu tàu phát triển và thúc đẩy với sự đoàn kết của cấp ủy, chính quyền và những tư tưởng, tầm nhìn phát triển mới với những dự định, quy hoạch với tầm nhìn xa với thành phố hai bên bờ sông Trà Lý, với tầm nhìn phát triển lâu dài. Quỳnh Phụ có những phát triển mới trong 3 năm gần đây được đánh giá xếp loại cao trong tỉnh, Kiến Xương cũng bước đầu có những đổi mới, Hưng Hà, Thái Thụy tiếp tục có nhiều đổi mới và có những mô hình hay. Vũ Thư trong hơn 1 năm qua cũng bắt đầu có những tiến bộ mới, tốc độ giải quyết, xử lý công việc của dân và doanh nghiệp nhanh hơn. Điều đó cho thấy không khí thi đua sôi nổi giữa các địa bàn trong tỉnh đang thúc đẩy sự phát triển chung của cả tỉnh và đang đặt ra nhiệm vụ đối với lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, các cơ quan của tỉnh cần phải tiếp tục đổi mới để phát huy khí thế đổi mới ở các huyện, ở cơ sở để thúc đẩy đổi mới toàn diện trong toàn tỉnh.

Không khí làm việc khẩn trương tại nhiều nhà máy đóng trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Đồng thời, tập thể lãnh đạo tỉnh, cấp ủy, chính quyền có ý chí phấn đấu, tận tâm, tận lực, đặt ra nhiều nghị quyết, văn bản cụ thể hóa Nghị quyết, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, kết nối tốt với trung ương, tỉnh bạn, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để xúc tiến, thúc đẩy hỗ trợ đầu tư. Lãnh đạo tỉnh Thái Bình vừa quan tâm giải quyết các công việc thường xuyên, các công việc bức thiết, trước mắt để giải quyết công việc cho dân và doanh nghiệp vừa tập trung cho các vấn đề có tính chiến lược với tầm nhìn dài hạn, bảo đảm sự phát triển của tỉnh trong nhiều năm tới, không chỉ nhiệm kỳ này mà còn đặt nền móng cho các giai đoạn tiếp theo.

Để Thái Bình tiếp tục phát triển toàn diện và bền vững, đặc biệt tiếp tục nâng cao hơn nữa về chỉ số phát triển công nghiệp, dich vụ, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình cho biết: Ngay sau kỳ họp, yêu cầu các thủ trưởng sở, ngành, địa phương tập trung rà soát các chỉ tiêu, kế hoạch đã đạt được và mục tiêu cả năm, đặc biệt là các chỉ tiêu chưa hoàn thành, hoàn thành ở mức thấp, trên cơ sở đó có các giải pháp chỉ đạo quyết liệt để phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đã đề ra của năm 2023 trên từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh và 3 tổ công tác chỉ đạo giải quyết những tồn tại, vướng mắc do 3 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng.

Tỉnh cũng sẽ khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh để trình Hội đồng Thẩm định quốc gia thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở, căn cứ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các công trình dự án trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển đô thị, nhà ở, đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp và công trình giao thông, đặc biệt là các dự án trọng điểm như các khu công nghiệp: Liên Hà Thái, Hải Long, Tân Trường, tuyến đường bộ ven biển, các tuyến đường từ thành phố đi cầu Nghìn, các tuyến đường trục trong Khu kinh tế, đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình; cải tạo thu hút đầu tư mới các khu đô thị như khu đô thị ven sông Trà Lý… Khẩn trương triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Chuẩn bị các điều kiện để thực hiện dự án điện khí LNG...

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy thành quả từ công tác xúc tiến đầu tư, các cuộc tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước tiếp tục cụ thể hóa những nội dung đã thống nhất tại buổi làm việc, các biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư (MOU) nhằm đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao, các nhà đầu tư có tiềm lực, uy tín vào Khu kinh tế Thái Bình và các khu công nghiệp trên toàn địa bàn tỉnh. Tập trung cao độ để đẩy nhanh tiến độ sớm hình thành và triển khai trên thực địa các khu công nghiệp như: Khu công nghiệp VSIP Thái Bình, khu công nghiệp Dược - Sinh học trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó cũng ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước về thủ tục đầu tư, đất đai, tài nguyên, quy hoạch, xây dựng… nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành dự án, phát huy hiệu quả đầu tư.

Nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở, gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở với công tác quản lý đất đai, một trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai. Chú trọng đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là việc giải phóng mặt bằng để kịp thời bàn giao đất thực hiện các công trình, dự án trọng điểm đã và sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Đáng chú ý, Thái Bình sẽ tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ và giải quyết các thủ tục hành chính, phải khắc phục cho được tình trạng thiếu trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, ngại tham mưu, chậm tham mưu của các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương khi đã có chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

Thụy Anh
Bài viết cùng chủ đề: Đồng bằng sông Hồng

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh

Nhân sự phía Nam: Điều động, bổ nhiệm cán bộ chủ chốt 5 tỉnh, thành phố

Phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đối với ông Ngô Công Thức

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nhà ở xã hội, thương mại trên địa bàn

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tuyên truyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã

Thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) sau sắp xếp đơn vị hành chính sẽ có bao nhiêu phường, xã?

Thừa Thiên Huế: Thuỷ điện Bình Điền giảm lưu lượng vận hành để cứu hộ vụ tai nạn ở cầu Bình Thành

Bắc Ninh tiếp tục kiểm tra tiến độ xử lý ô nhiễm môi trường tại thôn Mẫn Xá

Đài tưởng niệm liệt sĩ ngành bưu điện Quảng Nam – Đà Nẵng đón nhận xếp hạng di tích lịch sử

Quảng Ninh nỗ lực tăng thu ngân sách nội địa, tạo nguồn lực cho phát triển

Quảng Ninh: Liên kết hợp tác xã, thúc đẩy kinh tế tập thể

Hà Giang: Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Vĩnh Phúc: Ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao vào khu công nghiệp

Nam Định phân hạng và công nhận lại 24 sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Bắc Ninh nỗ lực hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Quảng Ninh: Mở rộng thị trường, đa dạng nguồn khách du lịch

Quảng Ninh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt với dịch vụ công

Độc đáo hoạt động thả diều nghệ thuật ở thị trấn Sông Đốc – Cà Mau

Vĩnh Phúc: Tỷ lệ nội địa hoá với sản xuất xe máy tại Honda đạt 96%

Thắp sáng tri thức nơi đảo xa - Bài 1: 'Ngọn hải đăng' trên đảo nhỏ