Tết Nguyên Đán qua góc nhìn của Đại sứ Na Uy
Tết Nguyên Đán không chỉ mang ý nghĩa đoàn tụ gia đình, tưởng nhớ tổ tiên mà còn là cơ hội để mỗi người con đất Việt thể hiện tình yêu quê hương, đất nước qua những phong tục tập quán đầy ý nghĩa.
Tết Việt Nam cũng để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với bạn bè quốc tế. Qua từng mâm cơm ngày Tết, qua những lời chúc đầu năm ngập tràn hy vọng, văn hóa Tết đã dần trở thành một cầu nối văn hóa, thu hút sự quan tâm và yêu mến của nhiều người trên khắp thế giới.
Báo Công Thương đã có buổi trò chuyện với bà Hilde Solbakken - Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam về những ấn tượng và cảm nhận của bà về ngày Tết cổ truyền của Việt Nam.
Bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Thương |
- Là người Na Uy sinh sống và làm việc tại Việt Nam đã lâu, bà cảm nhận thế nào về không khí Tết cổ truyền của Việt Nam? Năm nay, bà có đón Tết ở Việt Nam hay không? Bà có nhớ lại kỷ niệm đặc biệt nào trong lần đầu tiên đón Tết tại Việt Nam không?
Bà Hilde Solbakken: Năm nay là Tết thứ 3 của gia đình tôi ở Việt Nam. Tôi đã rất thích khoảng thời gian này đặc biệt là không khí nhộn nhịp và hối hả trước Tết, khi mọi người bận rộn chuẩn bị trang trí nhà cửa, mua quất mua đào, mua hoa... Tôi có cảm giác đây có lẽ là khoảng thời gian bận rộn nhất đối với nhiều phụ nữ Việt Nam, vì họ có rất nhiều việc phải làm. Nhưng tôi nghĩ đây là một thời điểm rất đẹp trong năm.
Tết đầu tiên của tôi ở Việt Nam, gia đình tôi đến thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám. Một thầy đồ đã biểu diễn nghệ thuật thư pháp và tặng chúng tôi chữ “Hạnh phúc”. Đó là một trải nghiệm rất tuyệt vời.
- Bà ấn tượng với phong tục cổ truyền ngày Tết Việt Nam nào nhất?
Bà Hilde Solbakken: Người Việt có rất nhiều phong tục truyền thống ngày Tết, chẳng hạn như tiễn ông Công ông Táo, cúng giao thừa và cúng tất niên, hay tục xông đất đầu năm...
Tôi rất thích trải nghiệm các phong tục Tết của người Việt, đặc biệt là tục xông đất. Trong năm Nhâm Dần đã qua, tôi là người xông đất Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội vì tuổi của tôi rất hợp với năm Dần. Tôi cũng rất thích phong tục lì xì đầu năm cho người già cho trẻ nhỏ. Rất thú vị.
Gia đình Đại sứ Hilde Solbakken tham quan làng cổ Đường Lâm dịp Tết Nguyên đán 2024. Ảnh: Vy Anh |
- Tết cổ truyền của người Việt Nam có nét tương đồng và khác biệt gì so với các dịp lễ Tết ở Na Uy hay không, thưa bà?
Bà Hilde Solbakken: Tết Việt Nam giống như Giáng sinh và năm mới ở Na Uy. Điểm giống nhau lớn nhất đó là đây là dịp lễ quan trọng để sum vầy cùng gia đình và gặp gỡ người thân, bạn bè.
Ngoài ra cách trang trí cũng có nhiều điểm giống nhau ví dụ thắp đèn và cắm hoa. Giáng sinh và năm mới ở Na Uy là thời điểm tối nhất trong năm nên chúng tôi trang trí rất nhiều đèn. Chúng làm sáng bừng không khí lễ hội và mang lại cảm giác vui tươi cho tất cả mọi người.
Chúng ta cũng giống nhau vì đều cho rằng năm mới là hy vọng là những khởi đầu mới. Vì thế chúng ta đều có văn hóa ra “nghị quyết” cho năm mới – lên danh sách những việc cần làm và đạt được trong năm.
- Bà có thể chia sẻ cảm giác của mình khi hòa mình vào những hoạt động truyền thống trong dịp Tết ở Việt Nam?
Bà Hilde Solbakken: Tôi nghĩ sự gắn bó và tình thân trong gia đình và cộng đồng được thể hiện rất rõ nét trong những ngày Tết. Và chứng kiến điều này thật tuyệt và cảm động.
Đây cũng là thời điểm bận rộn, mọi người cũng phải đi đi lại lại nhiều để thăm hỏi gia đình, họ hàng và bạn bè nhân dịp Tết. Đây thực sự là một lễ hội gắn kết mọi người.
Tôi rất thích những kỳ nghỉ Tết của mình ở Việt Nam. Trước Tết thì bận rộn và nhộn nhịp chuẩn bị, nhưng khi Tết đến thì phố phường ở Hà Nội trở nên yên tĩnh lạ thường. Gia đình tôi có thể đi dạo và tận hưởng khung cảnh yên bình của Hà Nội. Trải nghiệm đó thật tuyệt và chúng tôi rất chờ mong Tết năm nay.
Xin cảm ơn bà!