Trong chiến tranh tại Việt Nam, người Mỹ đã hai lần phải chứng kiến điều không thể lại trở thành có thể về sự có mặt của vũ khí miền Bắc Việt Nam tại chiến trường miền Nam. Lần thứ nhất là sự có mặt của những chiếc xe tăng PT 76 tại trận Làng Vây tháng 2/1968- trận đánh quyết định của chiến dịch Khe San - Đường 9. Lần thứ hai tuy người Mỹ chỉ biết khi cuộc chiến đã kết thúc, đó là sự có mặt của một trung đoàn tên lửa miền Bắc Việt Nam tại Sài Gòn.
Biết muộn hơn thì sự sửng sốt sẽ được nhân lên gấp bội. Nghĩa là trong những binh chủng hợp thành tiến vào giải phóng Sài Gòn trong trận đánh cuối cùng của chiến tranh Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tung vào trận tất cả những vũ khí hiện đại nhất đến lúc đó để bảo đảm sự chắc thắng khi mà vũ khí hiện đại, mưu trí và thời thế đã hành tiến cùng các binh đoàn vào giải phóng Sài Gòn, tháng 4/1975. Nếu như người Mỹ trong nỗ lực tuyệt vọng cứu vớt chính quyền Sài Gòn bằng việc đưa con át chủ bài B52 vào trận thì một lần nữa chúng cũng sẽ lại được tiếp đón bằng dàn tên lửa đất đối không SAM2. Và khi ấy, chắc chắn cái kết cục chiến tranh Việt Nam sẽ không thể nào nghiệt ngã, khốc liệt hơn với người Mỹ.
Tên lửa Trung đoàn 263 tham gia diễu binh mừng chiến thắng (ngày 15/5/1975) tại Sài Gòn |
Cho đến nay, hành trình vào trận giải phóng miền Nam với lộ trình trên ngàn cây số từ miền Bắc vào Nam của Trung đoàn tên lửa 263 - một trong ba trung đoàn tên lửa của miền Bắc lúc bấy giờ vẫn là một trong những chương kỳ lạ nhất của cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975. Càng kỳ lạ hơn khi mà cả đội hình của trung đoàn với hơn 200 xe chở khí tài hành tiến thần tốc cùng một lúc chỉ bằng đường bộ mà vẫn bảo đảm an toàn gần như tuyệt đối về tên lửa, khí tài và độ bí mật cao nhất để bảo đảm áp sát Sài Gòn đúng dự kiến, nhanh chóng triển khai phương án tác chiến, chỉ đợi lệnh ấn nút khai hỏa của Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh.
Tháng 2/1975, cả trung đoàn nhận lệnh hành quân vào chiến trường. Không rõ nơi đến nhưng cả trung đoàn từ E trưởng cho đến pháo thủ đều hiểu rằng, khi tên lửa được đưa vào trận thì điều đó có nghĩa là phía trước họ là một trận đánh thực sự lớn, rất có thể là trận đánh cuối cùng quyết định số phận của cuộc chiến.
Từ miền Bắc, đội hình chiến đấu của trung đoàn vào đến Quảng Trị, ai cũng ngỡ đây là nơi ở lại. Nhưng không, cả trung đoàn cấp tốc được lệnh tạt cánh sang Lào tiếp tục con đường vào chiến dịch. Xuyên qua đất bạn Lào trên cung đường Tây Trường Sơn, một tình huống đã xảy ra. Khi đơn vị hành quân đến khu rừng Dongpaam, huyện Sansay thuộc tỉnh Attapeu thì một quả đạn tên lửa SAM2 trên xe rơ mooc chở đạn bị gẫy vì đường xấu quá. Biết là quả đạn tên lửa này đã hỏng, không thể chiến đấu được, chỉ huy trung đoàn quyết định tháo lấy toàn bộ đầu nổ, các cánh lái tên lửa và các bộ phận chứa linh kiện điện tử trong quả đạn rồi để lại quả tên lửa chỉ còn vỏ ấy và tiếp tục hành quân.
Khi hành quân đến ngã 3 biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, một lần nữa trung đoàn lại được lệnh rẽ trái vào Việt Nam tới thành phố Buôn Ma Thuột vừa được giải phóng. Từ Buôn Ma Thuột cả trung đoàn tiếp tục nhận lệnh đi về phía Nam. Bây giờ cả trung đoàn đều đã hiểu - đích đến là thành phố Sài Gòn.
Chiều 18/4/1975 phương án tác chiến của trung đoàn được Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh thông qua với đối tượng tác chiến chính là không quân Mỹ và không quân cường kích của chính quyền Sài Gòn (trong đó trọng điểm là B52). Cùng đó, các tiểu đoàn của trung đoàn được triển khai bảo vệ hướng tiến công của quân đoàn 1 và quân đoàn 3 thọc thẳng vào Sài Gòn.
Có lẽ giờ đây không ít người mới được biết phía sau các đoàn quân chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam dũng mãnh đập nát các cánh cửa thép bảo vệ Sài Gòn xuân 75 có cả những dàn tên lửa sẵn sàng khai hỏa.
Ngày 27/4/1975, trung đoàn đã hoàn thành việc chiếm lĩnh trận địa và triển khai chiến đấu tại cửa ngõ Tây Bắc Sài Gòn. Thế nhưng, sang đến ngày 29/4/1975, trên màn hiện sóng ra đa của trung đoàn vẫn tuyệt nhiên không thấy tín hiệu máy bay cường kích của địch nữa mà chỉ còn tín hiệu máy bay trực thăng Mỹ thực hiện cuộc di tản cuối cùng khỏi Sài Gòn và trung đoàn được lệnh không đánh.
Trưa ngày 30/4/1975, các cánh quân chủ lực từ các hướng tiến vào đánh chiếm Dinh Độc Lập và các cơ quan đầu não của kẻ thù tại hang ổ cuối cùng. Sài Gòn đã được giải phóng!
Hầu như không một cán bộ, chiến sĩ nào của Trung đoàn 263 không khỏi nuối tiếc vì “rồng lửa” của đơn vị không được phóng lên tiêu diệt máy bay địch trong trận chiến cuối cùng! Nhưng ai cũng xúc động khi đoàn xe tên lửa của trung đoàn được tham gia cuộc diễu binh mừng chiến thắng ngày 15/5/1975 tại Sài Gòn trước sự ngưỡng mộ không sao kìm nén được của đồng bào thành phố mang tên Bác vừa được giải phóng.
Dù chưa chính thức khai hỏa nhưng về mặt lý thuyết tên lửa SAM2 của Quân đội nhân dân Việt Nam đã sẵn sàng và có thể “tái ngộ” B52 trên bầu trời Sài Gòn trong trận đánh cuối cùng. |