Tập trung triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021 - 2025
Đó là những điểm đáng lưu ý trong Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới do Ban Bí thư vừa ban hành.
Đa dạng giải pháp nâng cao hiệu quả Cuộc vận động
Chỉ thị nêu rõ, qua hơn 10 năm tổ chức thực hiện, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam trong sử dụng hàng Việt Nam; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội... Tuy nhiên, kết quả Cuộc vận động chưa thực sự toàn diện; chất lượng, mẫu mã và giá cả của nhiều hàng hoá Việt Nam chưa hấp dẫn người tiêu dùng; tình trạng hàng giả, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn gây bức xúc và ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước; việc xây dựng, phát hiện, nhân rộng, biểu dương, tôn vinh các điển hình tốt trong thực hiện Cuộc vận động còn hạn chế
Qua hơn 10 năm tổ chức thực hiện, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam trong sử dụng hàng Việt Nam (Ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát) |
Cuộc vận động là một giải pháp cần thiết, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn hiện nay. Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Cuộc vận động này trong thời gian tới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, đáng lưu ý, Chỉ thị của Ban Bí thư chỉ rõ, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, trước hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hoá, dịch vụ chất lượng cao; phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp. Có chính sách bảo vệ thị trường phân phối hàng hoá trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.
Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hoá Việt và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước có các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được người tiêu dùng ưa thích; trọng tâm là thị trường trong nước, đồng thời mở rộng ra thị trường nước ngoài, nhất là các thị trường mà Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và các kênh thương mại hiện đại, kết hợp hài hoà với hoạt động thương mại, phân phối truyền thống; công khai, minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hoá Việt; tiếp nhận và xử lý kịp thời thông tin phản ánh các vấn đề liên quan đến thị trường, nguồn gốc, chất lượng, giá cả hàng hoá Việt Nam…
Tập trung triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021 - 2025; Đề án "Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2020 - 2024"; sớm xây dựng, phê duyệt Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia mạng phân phối nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030.
Giai đoạn tới, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Cuộc vận động, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc tiêu dùng hàng Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước phải ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam.
Tiếp tục tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và toàn xã hội về Cuộc vận động, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam; tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện Cuộc vận động. Khuyến khích, động viên người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam… Đổi mới, đẩy mạnh việc đánh giá, tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài có thành tích trong thực hiện Cuộc vận động. Chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xử lý nghiêm minh, kịp thời các đối tượng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn…
Tiếp tục củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo Cuộc vận động các cấp; nơi có điều kiện có thể thành lập ban chỉ đạo cấp huyện. Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động do Ban Bí thư quyết định thành lập; Trưởng Ban Chỉ đạo là Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động ở địa phương do cấp uỷ cùng cấp ra quyết định thành lập; tuỳ theo đặc điểm của địa phương, trưởng ban chỉ đạo có thể là phó bí thư cấp uỷ hoặc thường vụ cấp uỷ, chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các đảng uỷ đơn vị sự nghiệp Trung ương tổ chức quán triệt Chỉ thị này; chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Cuộc vận động; hằng năm đánh giá kết quả, định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện Chỉ thị.
Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện và tăng cường quản lý, giám sát việc thi hành chính sách, pháp luật có liên quan đến việc thực hiện Chỉ thị này.
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn các cơ quan báo chí tuyên truyền về Cuộc vận động; phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam định kỳ tổ chức điều tra dư luận xã hội về việc thực hiện Cuộc vận động.
Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan giúp Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động theo dõi, đôn đốc và định kỳ báo cáo Ban Bí thư kết quả thực hiện Chỉ thị.
Bộ Công Thương tích cực vào cuộc
Là một trong những đơn vị đóng vai trò quan trọng với thành công của Cuộc vận động, trong hơn 10 năm qua, Bộ Công Thương đã luôn đồng hành với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để vận động mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội ưu tiên dùng hàng Việt Nam và tích cực đầu tư, sản xuất, cung ứng sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao.
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020, trong đó tập trung vào 03 nhóm giải pháp chủ yếu: Nhóm giải pháp hỗ trợ nhằm thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của cộng đồng; Nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; Nhóm giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam.
Sau 10 năm triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương trực tiếp thực hiện đã đạt được các kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển thị trường trong nước, từ đó đưa ra các giải pháp tổ chức hiệu quả hệ thống phân phối, thiết lập các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hàng hóa thông suốt, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong thị trường với nhau, từ người sản xuất đến người tiêu dùng, từ trung ương đến địa phương, từ doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đưa hàng hóa có chất lượng từ nhiều khu vực, vùng miền khác nhau đến tận tay người tiêu dùng tại địa phương và thu hút hàng hóa nông sản, đặc sản tại địa phương đến các tỉnh, thành phố khác.
Thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chỉ rõ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch hàng năm của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó trọng tâm vào các nhóm nhiệm vụ chủ yếu sau:
Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, tập trung vào các doanh nghiệp ngành Công Thương, nâng cao vị thế của hàng Việt Nam với chủ đề “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.
Tạo nền tảng và môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để huy động mọi thành phần kinh tế tham gia đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thông qua hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý minh bạch; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao chất lượng hàng Việt Nam, trong đó thiết lập được các doanh nghiệp phân phối trong nước đủ mạnh, có khả năng chiếm lĩnh thị trường song song với việc phát triển doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các địa phương, nhất là các địa phương còn nhiều dư địa để phát triển thương mại nội địa.
Triển khai thực hiện các giải pháp để phát triển mạnh thị trường trong nước, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam, xây dựng thương hiệu Việt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Tiếp tục hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2025, tầm nhìn 2035 với những giải pháp đột phá để phát triển thị trường trong nước; tiếp tục thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động, nhằm hỗ trợ cho hàng Việt Nam chiếm lĩnh vững chắc tại các kênh phân phối trong nước và quốc tế.
Tăng cường công tác quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, phòng vệ thương mại, củng cố lực lượng quản lý thị trường để ngăn chặn việc sản xuất hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.