Tập trung cải cách thể chế để phục hồi tăng trưởng kinh tế
Cải cách dàn trải, thiếu trọng tâm
Theo CIEM, từ đầu năm 2021, bối cảnh kinh tế thế giới liên tục có những diễn biến phức tạp và khó lường do dịch bệnh Covid-19. Trong nước, dịch Covid-19 kéo dài, nhất là từ cuối tháng 4/2021 đến tháng 9/2021, khiến Chính phủ và những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề, phải duy trì các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế đi lại, ảnh hưởng đến đà phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Cải cách thể chế đã góp phần củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh |
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Chính phủ vẫn ưu tiên bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội. Một mặt, chủ động cân nhắc, tham vấn cộng đồng doanh nghiệp để có những quyết sách, nỗ lực giữ đà cải cách thể chế kinh tế ngay cả trong giai đoạn khó khăn. Mặt khác, hiện thực hóa nhiều biện pháp thuế, tín dụng, trợ cấp cho người lao động... để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, trên tinh thần đơn giản hóa điều kiện và rút ngắn thời gian tiếp cận, giúp các nhóm này giảm bớt khó khăn do dịch bệnh. Sự quyết liệt với cải cách của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Nhờ đó, Việt Nam đã nổi lên là một hình mẫu về cải cách thể chế kinh tế ở khu vực.
Không thể phủ nhận cải cách thể chế kinh tế, đặc biệt là về chính sách cạnh tranh, môi trường kinh doanh của Chính phủ đã góp phần đáng kể vào việc củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư những năm qua. Tuy nhiên, theo CIEM, những cải cách này đang có dấu hiệu “chạm trần”, thiếu cách làm mới để tạo đột phá. Bên cạnh đó, dù có nhiều nỗ lực cải thiện, công tác điều hành và chất lượng các văn bản chính sách hỗ trợ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế như: Miễn, giảm, giãn, hoãn thuế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí… chưa đủ “sức nặng” cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp; hay một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động vừa đi vào thực hiện đã phải sửa đổi.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng cho rằng, chất lượng văn bản pháp luật thời gian qua vẫn chưa cao, tính nhất quán còn thấp, trong khi đó, sức sống và sức bền của chính sách cũng là điểm yếu của Việt Nam.
“Rõ ràng, chúng ta làm nhiều, làm liên tục nhưng hiệu quả cải cách lại chưa tương xứng với yêu cầu, kỳ vọng. Nhiều nhiệm vụ cải cách mang tính dàn trải, thiếu trọng tâm” - bà Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng CIEM – cho biết.
Thúc đẩy tăng trưởng bằng cải cách
Những tháng cuối năm 2021, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế dự báo vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Cụ thể, theo bà Trần Thị Hồng Minh: Nhiều tổ chức quốc tế đã có những cái nhìn thận trọng hơn về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam. Báo cáo cập nhật của Ngân hàng Thế giới gần đây ước tính, GDP năm 2021 của Việt Nam ở mức 2,0%-2,5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% công bố vào tháng 8/2021.
Không chỉ khó khăn trong nội tại nền kinh tế, hiện nhiều thị trường xuất khẩu cũng sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa của Việt Nam. Rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng cũng làm tăng chi phí đáng kể cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như doanh nghiệp hoạt động thương mại trong nước.
Theo đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nếu không cải cách thì Việt Nam khó có thể phục hồi kinh tế. Do vậy, bên cạnh tập trung vào công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ cũng nên quan tâm đến vấn đề cải cách thể chế.
Đồng tình với quan điểm cần đẩy mạnh cải cách để khôi phục tăng trưởng, đại diện CIEM cho rằng, trọng tâm ưu tiên cải cách ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 cần nhấn mạnh vào 5 nội dụng, bao gồm: Thứ nhất, duy trì cải cách trong quá trình phục hồi, và yêu cầu đặt ra là cải cách song song, thay vì cải cách sau khi đã phục hồi kinh tế; Thứ hai, huy động và sử dụng nguồn lực, đặc biệt là quan tâm đến hiệu quả sử dụng nguồn lực; Thứ ba, tạo không gian cho các hoạt động kinh tế mới một cách bền vững; Thứ tư, những yêu cầu, đòi hỏi thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả, tạo động lực cho cải cách thể chế, tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Thứ năm, nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, trong đó quan tâm nhiều hơn đến khu vực kinh tế tư nhân, hay tư duy về tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
BàTrần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM: Tư duy về đổi mới quốc gia theo hướng hiện đại là cần thiết, để hỗ trợ cho cải cách, giúp chúng ta tránh được tình trạng "làm nhiều, làm liên tục nhưng hiệu quả lại chưa tương xứng với yêu cầu và kỳ vọng. |