Tập đoàn nước ngoài có nhiều công ty thành viên tại Việt Nam nộp thuế tối thiểu toàn cầu thế nào?
Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021. Đây là một trong hai trụ cột chính của Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp đa quốc gia lợi dụng sự khác biệt về các chính sách ưu đãi đầu tư của các nước để chuyển lợi nhuận, chuyển giá, tránh thực hiện các nghĩa vụ thuế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó gây xói mòn cơ sở thuế.
Quốc hội thông qua việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024. (Ảnh minh họa) |
Được biết, thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Về mặt chính sách thuế, theo Nghị quyết, sẽ áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) cho các tập đoàn của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài và quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) cho các tập đoàn đa quốc gia có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Theo tính toán sơ bộ, bằng số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, nếu áp dụng quy định QDMTT, trong năm 2024 sẽ có 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, chịu ảnh hưởng và số thuế bổ sung thu được ước tính khoảng 14.600 tỷ đồng. Nếu Việt Nam áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR), từ năm 2024, 6 tập đoàn của Việt Nam chịu tác động của quy định này và số thuế thu được ước tính khoảng 73 tỷ đồng, trong trường hợp các nước nhận đầu tư không áp dụng QDMTT.
Theo đại diện Vụ Chính sách, Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính), về quy định QDMTT với thời hạn chậm nhất là 12 tháng. Sau ngày kết thúc năm tài chính, về quy định tổng hợp thu nhập thực hiện thuế tối thiểu, đối với năm tài chính đầu tiên thì thời hạn chậm nhất là 18 tháng. Sau ngày kết thúc năm tài chính, đối với các năm tiếp theo chậm nhất là 15 tháng. Trường hợp tập đoàn chỉ có duy nhất một công ty thành viên tại Việt Nam sẽ kê khai và nộp thuế. Trường hợp tập đoàn có nhiều hơn một công ty thành viên nộp thuế tại Việt Nam, công ty mẹ tối cao sẽ chỉ định một trong những công ty thành viên tại Việt Nam nộp tờ khai và nộp thuế bổ sung. Nếu công ty không chỉ định thì cơ quan thuế sẽ chỉ định. Phần thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung này, sẽ được nộp vào ngân sách trung ương.
Việc áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới, như tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung, tăng cường hội nhập quốc tế, giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận. Tuy nhiên, quy định này cũng đặt ra yêu cầu phải thay đổi lại các chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam, để đảm bảo tính hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Đầu năm 2024, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có hiệu lực. Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng triển khai các hành động nhằm ứng phó và giảm thiểu các tác động bất lợi từ cơ chế mới này. Nếu Việt Nam chưa áp dụng thì các nguồn thu từ thuế tối thiểu toàn cầu sẽ chuyển về nộp tại công ty mẹ.