Tập đoàn Hòa Phát: Chuyển từ “thép xám” sang “thép xanh”
Thu hồi nhiệt dư cho sản xuất điện, hợp chuẩn xỉ lò cao để tái sử dụng sản xuất xi măng, Tập đoàn Hòa Phát đang từng bước thực hiện kinh tế tuần hoàn chuyển từ “thép xám” sang “thép xanh”.
Gian hàng của Thép Hòa Phát tại Hội thảo và triển lãm công nghiệp thép Việt Nam. Ảnh: NT |
Thu hồi nhiệt dư cho phát điện
Những năm qua, việc áp dụng công nghệ thu hồi và sử dụng nhiệt dư, khí dư để phát điện giúp Hòa Phát tiết kiệm năng lượng, tự chủ điện cho sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Năm 2022, tổng lượng điện phát của các nhà máy điện nhiệt dư thuộc Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Dung Quất đạt trên 2,42 tỷ kWh, giúp Hòa Phát tự chủ khoảng 75% lượng điện năng cho sản xuất (tương đương khoảng 3.900 tỷ đồng).
Ông Ngô Đức Tuyên - Trưởng phòng Công nghệ (Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất) - cho biết: Hòa Phát đã sử dụng giải pháp công nghệ thu hồi nhiệt luyện coke, khí than lò cao để phát điện, tái sử dụng tại nhà máy ở Hải Dương và Dung Quất. Theo đó, khả năng thu hồi nhiệt để phát điện chiếm khoảng 75 - 80%, Hòa Phát chỉ lấy khoảng 20 - 25% điện lưới cho sản xuất.
“Ngoài tận dụng tất cả nguồn nhiệt dư để phát điện, Hòa Phát đang triển khai chương trình điện mặt trời mái nhà nhằm tận dụng diện tích mái nhà xưởng của doanh nghiệp” - ông Tuyên chia sẻ. Bên cạnh đó, nhà máy còn tận dụng khí than dư thừa trong luyện gang thép làm nhiên liệu cho nồi hơi để phát điện. Công nghệ sản xuất điện năng này đã góp phần bảo vệ môi trường, giảm lượng phát thải CO2 so với loại hình phát điện nhiệt than có công suất tương đương. Hòa Phát luôn quan tâm tối ưu hóa tất cả các khâu sản xuất theo hướng tuần hoàn, khép kín, tiết giảm tiêu hao năng lượng và xây dựng lộ trình phát triển thép xanh, giảm phát thải CO2 theo định hướng chung của Chính phủ, hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Cụ thể, hiện, Hòa Phát đã và đang thực hiện 8 hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính bao gồm: Đào tạo và thực hành cho cán bộ, công nhân viên công ty theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP, kiểm toán năng lượng, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM); sử dụng nhiệt dư khí nóng lò cốc sản xuất điện; áp dụng công nghệ dập cốc khô CDQ để sản xuất điện; sử dụng nhiệt dư sản xuất điện trong thiêu kết; tận dụng cán nóng từ đúc sang cán sử dụng lò nung; sử dụng công nghệ tuabin thu hồi năng lượng gió lò cao (BPRT). Hòa Phát cũng thay đổi phương thức vận chuyển nguyên liệu bằng băng tải thay ôtô, trồng cây xanh giúp hấp thụ khí CO2…
Hợp chuẩn xỉ lò cao cho sản xuất xi măng
Xỉ lò cao của Hòa Phát hiện được hợp chuẩn làm sản phẩm S95 và bán cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng. Nhờ đó, các doanh nghiệp xi măng giảm một phần clinker, tiết giảm phát thải CO2 ra môi trường do doanh nghiệp xi măng không phải nung clinker.
Với nguồn cung từ Khu Liên hợp sản xuất gang thép ở Kinh Môn - Hải Dương và Dung Quất - Quảng Ngãi, xỉ S95 của Hòa Phát đạt sản lượng hơn 1,4 triệu tấn năm 2022, tăng 40% so với năm 2021, được đánh giá cao về chất lượng và sử dụng tại nhiều công trình. Trong đó, sản lượng bán xỉ S95 tại Khu Liên hợp Hòa Phát Dung Quất đạt hơn 766.000 tấn.
Trong tương lai, Hòa Phát sẽ hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới về luyện kim nhằm nghiên cứu thực hiện lộ trình công nghệ luyện kim trung hòa carbon. Một số giải pháp đã được tính đến như tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ hoàn nguyên trực tiếp DRI; thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng cách dùng nhiên liệu khí thiên nhiên để hoàn nguyên quặng sắt, áp dụng công nghệ đúc cán liên tục để giảm tiêu hao năng lượng, tiến tới không phát thải CO2.
Sản phẩm S95 Hòa Phát giúp giảm giá thành bê tông thương phẩm do có chi phí thấp hơn, thay thế được 30 - 40% xi măng PCB40 khi phối trộn. Do đó, góp phần giảm hàm lượng clinker trong xi măng và lượng phát thải CO2, bảo vệ môi trường, tạo thêm nguồn thu ổn định cho Tập đoàn Hòa Phát.