Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ cho người lao động
Đảm bảo an toàn lao động là yếu tố cần thiết để hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Năm 2023, Vinataba đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, phòng ngừa các sự cố trong quá trình lao động. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng môi trường làm việc, bảo vệ tính mạng, tài sản cho người lao động và doanh nghiệp.
Tập trung đầu tư đảm bảo an toàn trong lao động
Với mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và đảm bảo an toàn tuyệt đối, Tổng công ty phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ (PCCN), thường xuyên phổ biến, quán triệt, thực hiện đầy đủ các văn bản chỉ đạo của cấp trên, về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), đặc biệt trong các dịp lễ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2023, Lễ 30/4 và 01/5, Lễ Quốc khánh 02/9; tháng cao điểm về PCCC, ngày thành lập lực lượng Cảnh sát PCCC và ngày toàn dân phòng cháy.
Tổng công ty luôn đề cao ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành: các quy định pháp luật về công tác an toàn, vệ sinh lao động – phòng, chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN), xây dựng và tổ chức thực hiện theo kế hoạch năm về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, phòng ngừa sự cố máy móc thiết bị (MMTB), tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp và giảm nhẹ tác động thiên tai, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định; tổ chức trực lãnh đạo, bảo vệ, tự vệ và PCCN 24/24, báo cáo tình hình an toàn, an ninh trước, trong và sau dịp Tết năm Giáp Ngọ 2023, tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023. Công tác tự kiểm tra và kiểm tra được các đơn vị duy trì, nề nếp hơn, thực hiện chặt chẽ quy trình huấn luyện ATVSLĐ – PCCN cho người lao động như đảm bảo việc người lao động tham dự đầy đủ thời lượng và nội dung tập huấn, có sổ sách theo dõi việc tham gia khóa huấn luyện, có tổ chức thi kiểm tra kết quả sau tập huấn…
Tại các đơn vị thành viên, các lao động tuyển mới, luân chuyển vị trí công việc đều được tổ chức huấn luyện an toàn và huấn luyện lại. Nội dung huấn luyện ATVSLĐ được lồng ghép vào chương trình thi nâng bậc cho CBCNV và xem đây là một trong những nội dung bắt buộc của chương trình sát hạch.
Tại buổi làm việc với Công ty Thuốc lá Thăng Long về công tác ATVSLĐ ngày 29/3/2024, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tháng hành động ATVSLĐ Trung ương đánh giá cao công tác ATVSLĐ tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam nói chung và Công ty Thuốc lá Thăng Long nói riêng. “Không chỉ tiền lương, môi trường làm việc, công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động hết sức quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù là doanh nghiệp đặc thù như công ty thuốc lá, song trong nhiều năm qua, Công ty không để xảy ra tai nạn lao động” .
Chăm sóc sức khoẻ người lao động
Tổng công ty thường xuyên tiến hành rà soát, đối chiếu các quy định hiện hành của nhà nước về nghề nặng nhọc độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm để áp dụng bồi dưỡng chống độc bằng hiện vật theo đúng quy định, thực hiện các chính sách chế độ đối với người lao động làm công việc/chức danh nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Đảm bảo quyền lợi cho người lao động qua việc thực hiện ghi chức danh nghề nặng nhọc độc hại nguy hiểm trong hợp đồng lao động và sổ BHXH được thực hiện đúng theo danh mục nghề/công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội ban hành.
Theo báo cáo, 100% đơn vị đã lựa chọn, ký hợp đồng với các Bệnh viện, Trung tâm Y tế của các Bộ, ngành và địa phương với các tiêu chí tin cậy, phù hợp và thuận lợi để tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho người lao động theo quy định; đồng thời áp dụng chính sách, chế độ, kế hoạch điều dưỡng, phục hồi sức khỏe cho người lao động. Năm 2023, Tổng công ty và các đơn vị tập trung đầu tư cho các biện pháp kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ, phòng chống độc hại, cải thiện điều kiện lao động, với tổng chi phí là hơn 88 tỷ đồng. Trong đó, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, đồng phục thực hiện năm 2023 là 28,895 tỷ đồng; chiếm tỷ lệ 33% tổng chi phí thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong Tổng công ty.
Kết quả nổi bật công tác PCCC năm 2023
Đến nay, Tổng Công ty và 100% các đơn vị đã thành lập Hội đồng ATVSLĐ, Ban chỉ huy PCCC, Đội PCCC cơ sở, xây dựng phương án PCCC, thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng, bảo trì định kỳ các thiết bị, phương tiện PCCN, như: bình bột, bình khí CO2, máy bơm chữa cháy, hệ thống báo cháy, báo khói tự động, máy bơm nước, thang chữa cháy… đảm bảo sử dụng, hoạt động tốt khi có tình huống cháy nổ xảy ra.
Các đơn vị thành viên tiếp tục đầu tư, hoàn thiện tốt công tác PCCC. Theo đó, tất cả các đơn vị thành viên đều thực hiện ký Hợp đồng bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm tài sản, con người theo quy định tại Nghị định 23/2018 quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc với các đơn vị bảo hiểm chức năng. Công tác tự kiểm tra nội bộ tình hình ATVSLĐ – PCCN tại đơn vị, bình quân mỗi tháng 01 lần theo chuyên đề tại các đơn vị quy mô lớn như Công ty Thuốc lá Sài Gòn, Công ty Thuốc lá Thăng Long, Cửu Long, CP Cát Lợi; hoặc 3 tháng/lần, sơ kết mỗi 06 tháng và tổng kiểm tra hàng năm.
Diễn tập phòng chống cháy nổ tại Công ty Thuốc lá Sài Gòn |
Năm 2023, Tổng công ty có 735 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn gồm các loại thiết bị: máy nén khí, lò hơi, bình chịu áp lực, thang máy, xe nâng,… Trong đó, 100% máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn đang được sử dụng đều đã được đăng ký, kiểm định trước khi đưa vào sử dụng, tái kiểm định định kỳ và lưu hồ sơ đầy đủ..
Đối với công tác đo kiểm điện trở nối đất, chống sét, các đơn vị đều kiểm tra sát sao; các máy thiết bị được kiểm tra hệ thống nối đất trung tính, nối đất bảo vệ, đo điện trở mạch vòng chạm đất, xác định dòng cắt thiết bị bảo vệ trên máy đo Ic (A) tại các đơn vị sản xuất, đảm bảo đạt yêu cầu theo Tiêu chuẩn tiếp địa chống sét TCVN 9358-2012; TCVN 7447-4-41: 2010 “Bảo vệ an toàn – Bảo vệ chống điện giật”.
Thời gian tới, Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam, tiếp tục quan tâm, chú trọng đến việc khuyến khích sự tham gia của người lao động trong công tác ATVSLĐ-PCCC, đánh giá thi đua trong trường hợp vi phạm quy định về ATVSLĐ-PCCC, từ đó nâng cao tính kỷ luật, nề nếp và thực hiện công tác ATVSLĐ-PCCC ngày càng tốt hơn.