Nhiều cơ hội…
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết ngày 20/10/2021, Việt Nam thu hút được 34.266 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 404 tỷ USD. Trong đó, vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI là 247 tỷ USD, bằng 61,1% tổng vốn FDI đăng ký còn hiệu lực.
Riêng 10 tháng dầu năm 2021, mặc dù chịu tác động nặng nề từ diễn biến của dịch Covid-19, nhưng dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn được đánh giá khả quan. Cụ thể, 10 tháng, Việt Nam thu hút được 23,74 tỷ USD vốn FDI, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, số dự án FDI đăng ký mới và điều chỉnh vốn đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, với mức tăng lần lượt là 11,6% và 24,2%.
Trong số các dự án FDI đầu tư vào Việt Nam, có rất nhiều dự án của các tập đoàn lớn trên thế giới, hoạt động trong lĩnh vực điện tử, điện thoại và có nhu cầu gia tăng tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam, điển hình như: Tập đoàn Samsung, LG (Hàn Quốc); Canon (Nhật Bản)…
Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển công nghiệp hỗ trợ |
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT - cho rằng: Trong khi các nhà sản xuất đầu chuỗi, các doanh nghiệp FDI “đổ xô” đến Việt Nam thì cơ hội để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là rất lớn.
Bên cạnh cơ hội từ dòng vốn FDI, những năm vừa qua, nhận thức được tầm quan trọng của CNHT đối với phát triển công nghiệp và tăng trưởng kinh tế, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng liên tục đưa ra những chính sách ưu tiên phát triển CNHT. Trong đó, ở cấp Chính phủ có Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT; Quyết định 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 - 2025; Nghị định 57/2021/NĐ-CP của Chính phủ bổ sung điều khoản về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT…
Bên cạnh những chủ trương, chính sách của Chính phủ, với vai trò là cơ quan quản lý ngành, Bộ Công Thương thời gian qua cũng liên tục có những hoạt động nhằm thúc đẩy ngành CNHT trong nước phát triển. Điển hình vào tháng 4/2018, Bộ Công Thương và Tập đoàn Samsung Việt Nam đã phối hợp tổ chức Chương trình hợp tác đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và nâng cao chất lượng. Mục tiêu của chương trình nhằm đào tạo 200 chuyên gia tư vấn Việt Nam có đủ năng lực để tư vấn và đào tạo lại cho các doanh nghiệp cung ứng trong ngành CNHT của Việt Nam. Tiếp đó, vào năm 2020, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh và Công ty Samsung Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ở cấp độ địa phương, mới đây, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 2143 về việc “Thực hiện chương trình phát triển CNHT thành phố Hà Nội năm 2021”. Kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả và hoàn thành 100% các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung hoạt động phát triển CNHT đề ra trong Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 1/3/2021 của UBND thành phố về chương trình phát triển CNHT thành phố Hà Nội năm 2021.
Trước đó, nhằm thúc đẩy CNHT trên địa bàn phát triển, UBND tỉnh Phú Thọ cũng ban hành Quyết định 03/2021/QĐ-UBND quy định nội dung và mức chi cụ thể cho các hoạt động phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh…
Nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được với ưu đãi chính sách của Chính phủ |
…nhưng chưa được tận dụng
Cơ hội thì như vậy, song cho đến nay, ngành CNHT của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, số lượng doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài vẫn chưa nhiều. Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đa số các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam chỉ tập trung vào những sản phẩm đơn giản, có hàm lượng và giá trị gia tăng thấp.
Một trong những nguyên nhân được bà Đỗ Thị Thúy Hương đưa ra đó là, các chính sách đưa ra thì hay nhưng khi thực thi vào thực tế lại có nhiều bất cập. Điển hình như tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, đối tượng ưu đãi là dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, bao gồm: Dự án mới, dự án mở rộng và đổi mới công nghệ có ứng dụng thiết bị mới, quy trình sản xuất mới, sản xuất sản phẩm với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20%.
Tuy nhiên để được hưởng ưu đãi, doanh nghiệp phải trải qua một quy trình khai báo rất phức tạp, nhưng sau khi được phê duyệt doanh nghiệp CNHT cũng không được hưởng ưu đãi gì, vì trong Nghị định định yêu cầu doanh nghiệp phải thành lập mới, còn doanh nghiệp đang sản xuất cần được khuyến khích nhưng lại không được ưu đãi. Rồi những ưu đãi về miễn, giảm thuế đất thì lại không áp dụng cho doanh nghiệp khi đã có dự án đang hoạt động.
Một thực trạng nữa là, nhiều doanh nghiệp không chỉ hoạt động trong một lĩnh vực CNHT mà hoạt động trong nhiều mảng khác nhau, trong đó có sản xuất linh, phụ kiện để cung cấp cho nhà cung ứng đầu chuỗi nhưng những doanh nghiệp này lại không được đưa vào là đối tượng hưởng chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị định 111/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan. Điều này là bất cập, bởi trong thời buổi kinh doanh linh hoạt như hiện nay, để tồn tại được, doanh nghiệp không thể chỉ tập trung sản xuất, kinh doanh vào một lĩnh vực mà họ phải đa dạng hóa ngành nghề, tập trung vào nhiều lĩnh vực, miễn là được pháp luật cho phép.
Từ những bất cập trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để doanh nghiệp trong nước tận dụng được cơ hội và tham gia sâu hơn vào lĩnh vực CNHT, bên cạnh sửa đổi những ưu đãi liên quan đến Nghị định 111/2015/NĐ-CP, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận chính sách thì Chính phủ cần sớm ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ, nhằm tạo tiền đề cho ngành này phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.
Rất nhiều chính sách ưu đãi liên quan đến miễn giảm thuế, tiền thuê đất, nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp CNHT cho biết, họ vẫn chưa tiếp cận được với các ưu đãi trên. |