Tận dụng EVFTA, xuất khẩu da giày tăng tốc vào EU
Mở rộng thị phần
Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, da giày được đánh giá là một trong những ngành hàng hưởng lợi lớn từ hiệp định khi EU cam kết xóa bỏ thuế quan 100% đối với các mặt hàng giày dép của Việt Nam, với lộ trình dài nhất là 7 năm.
Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho hay, ngành da giày đã tận dụng tốt lợi thế từ các FTA, trong đó có Hiệp định EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu.
Da giày là ngành tận dụng tốt các FTA, nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA |
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng năm 2024, xuất khẩu toàn ngành da giày đạt 15,2 tỷ USD, trong đó giày dép đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,1%; túi xách đạt 2,35 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường, xuất khẩu sang thị trường EVFTA tăng 23,8%; thị trường CPTPP tăng 13,9%; thị trường ASEAN tăng 2,4%.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện là nước đứng thứ 3 trên thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ) về sản xuất và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép, với kim ngạch xuất khẩu gần 24 tỷ USD năm 2023 và đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 26 - 27 tỷ USD năm 2024.
Nhận định cơ hội từ EVFTA, theo bà Xuân, về phần điều kiện, nếu như dệt may gặp khó do quy tắc xuất xứ "từ vải trở đi", thì những yêu cầu của EU trong EVFTA lại giúp cho da giày "rộng cửa" hơn. EVFTA cho phép các doanh nghiệp da giày Việt Nam sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất và chỉ yêu cầu từ khâu giặt, may, lắp ráp, đóng gói là phải thực hiện tại Việt Nam.
Mặt khác, kể từ khi EVFTA có hiệu lực, các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang đầu tư phát triển sản xuất nguyên phụ liệu để hưởng ưu đãi theo xuất xứ. Nhờ đó, Việt Nam có thể cải thiện được nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Theo nghiên cứu, nỗ lực chủ động tự sản xuất các nguyên phụ liệu có thể giúp chi phí sản xuất của doanh nghiệp giảm từ 10 - 15%, giúp ngành da giày chủ động đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, thực sự tận dụng tối đa cơ hội mà EVFTA mang lại.
Ứng phó kịp thời với những thay đổi của thị trường
Bên cạnh tín hiệu vui từ việc các đơn hàng, doanh nghiệp ngành da giày vẫn còn đang phải đối diện với không ít khó khăn, đặc biệt là các thay đổi từ thị trường.
Với thị trường EU, một trong những thị trường lớn nhất với kim ngạch nhập khẩu khoảng 6 tỷ USD giày dép từ Việt Nam hiện nay đang áp dụng một loạt các quy định về các sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, các yêu cầu về giảm thiểu phát thải carbon đối với các sản phẩm sản xuất… Các nước khu vực Bắc Âu cũng đã và đang chuẩn bị lộ trình áp dụng “nhãn sinh thái thiên nga Bắc Âu” cho các sản phẩm dệt may và da giày.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu - cho biết, dệt may và da giày là hai trong những sản phẩm, hàng hóa có sự tăng trưởng xuất khẩu tương đối cao vào thị trường EU thời gian qua nhờ được hưởng ưu đãi thuế từ EVFTA.
Do đó, doanh nghiệp dệt may, da giày cần đặc biệt lưu ý đến những thay đổi của thị trường. Đồng thời, các sản phẩm dệt may, da giày xuất khẩu sang Bắc Âu cần lưu ý đến các quy định về “nhãn sinh thái thiên nga Bắc Âu”, được áp dụng cho tất cả các nước Bắc Âu như: Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan.
"Bắc Âu được coi là khu vực các nước có nền văn minh cao nhất thế giới. Khi mua một sản phẩm, họ không chỉ xem xét về giá mà còn xem xét về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp", bà Thúy lưu ý.
Bà Thúy cũng cho biết, đối với giày dép, hiện người tiêu dùng Bắc Âu đang có xu hướng tiêu dùng các sản phẩm sinh thái, có lợi cho môi trường chứ không dùng các sản phẩm ảnh hưởng đến môi trường.
Ngoài ra, còn có rất nhiều quy định của EU đối với mặt hàng giày dép như hóa chất, an toàn sản phẩm… cần phải tuân theo. Cơ chế định giá carbon (CBAM) cũng được EU xây dựng để dần áp dụng với hàng hóa nhập khẩu. Trong khi đó, giày dép là ngành được đánh giá trong quá trình sản xuất gây ra phát thải lớn, do vậy cũng nằm trong số đối tượng chịu tác động từ CBAM. Mặc dù các quy định này có lộ trình áp dụng từ 5-7 năm nữa, tuy nhiên nếu doanh nghiệp không nhanh chóng tìm hiểu và dần thay đổi sản xuất thì sẽ không thể đáp ứng được và đứng trước nguy cơ mất thị trường.
Bàn về một số tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững như chính sách về sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng với nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng... có thể được các thị trường nhập khẩu giày dép lớn của Việt Nam áp dụng ngay trong năm này và một vài năm tới sẽ tác động tới xuất khẩu của ngành, bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, việc tuân thủ là bắt buộc.
"Khi tuân thủ các quy định này, doanh nghiệp phải thực hiện rất nhiều hoạt động nhằm nâng cấp năng lực nội tại. Việc nâng cấp phải từ công nghệ, quản lý, cùng đó chi phí đầu vào ngày càng tăng trong khi chi phí đầu ra tăng rất thấp, đó là sức ép cực kỳ lớn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong một thế giới cạnh tranh bình đẳng, nếu chúng ta muốn tham gia thành công vào chuỗi cung ứng, chúng ta bắt buộc phải tuân thủ", Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam phân tích.
Đối với cơ chế định giá carbon (CBAM), bà Xuân cho hay, giày dép là ngành được đánh giá trong quá trình sản xuất gây ra phát thải lớn nên cũng nằm trong số đối tượng chịu tác động từ CBAM. EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam với khoảng 6 tỷ Euro mỗi năm, do đó việc chuẩn bị để thay đổi và ứng phó với quy định này là cần thiết.
Để làm được điều này, đầu tiên doanh nghiệp phải tìm hiểu cặn kẽ thông tin, quy trình để đáp ứng và tuân thủ CBAM. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị sẵn nguồn lực lớn về con người và công nghệ, tài chính để tiến tới đáp ứng CBAM.
Vì vậy, doanh nghiệp không thể đơn lẻ khi ra biển lớn mà cần phải cùng tham gia vào hoạt động mạng lưới tốt hơn để nắm bắt thông tin, có kế hoạch chuẩn bị sâu hơn, tốt hơn, học hỏi và rút kinh nghiệm mới có thể thành công, đáp ứng các quy định và tham gia chuỗi cung ứng.