Sữa tươi: Mập mờ nhãn mác
Sữa tươi Vinamilk - một trong số ít sản phẩm luôn minh bạch về nhãn hàng hóa |
Trở ngại từ tên gọi
Hiện nay, Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (Codex) chia sữa dạng lỏng thành hai loại: Sữa dạng lỏng làm từ sữa tươi và sữa dạng lỏng làm từ sữa bột (được gọi với hai khái niệm “sữa hoàn nguyên” và “sữa pha lại” – tùy thuộc vào hàm lượng các chất nguyên bản của sữa có trong sản phẩm). Trong khi đó, thông tư 30/2010 của Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn sữa dạng lỏng quốc gia (Quy chuẩn QCVN 5-1:2010) đang gộp chung các loại sữa dạng lỏng làm từ sữa bột và sữa tươi dưới tên gọi “sữa tiệt trùng” để ghi trên bao bì sản phẩm. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng lầm tưởng “sữa tiệt trùng” là sữa tươi, trong khi thực tế nhiều sản phẩm có nhãn “sữa tiệt trùng” có nguyên liệu làm từ sữa bột.
Tại cuộc họp mới đây về vấn đề Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của sữa tươi nguyên liệu, bà Thái Hương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH True Milk - cho biết: Sự bất cập trong khái niệm “sữa tiệt trùng” là trở ngại rất lớn đối với việc phát triển ngành chế biến sữa tươi trong nước, bảo vệ nông dân. Bà Thái Hương kiến nghị, cần minh bạch hóa khái niệm sữa tươi tiệt trùng và sữa tươi hoàn nguyên. Điều này không những góp phần làm lợi cho người tiêu dùng mà còn tạo điều kiện để DN cạnh tranh khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung và ngành sữa nói riêng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết: Quy chuẩn quốc gia về sữa do Bộ Y tế ban hành năm 2010 có quy định 7 dòng sản phẩm khác nhau đảm bảo các yếu tố. Đến nay, những quy định này đã không còn phù hợp, bởi sản phẩm sữa tươi được phát triển khá mạnh. Do đó, cần có một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi mà ở đó nêu rõ sữa tươi tiệt trùng phải đúng là sữa lấy từ bò ra.
Cần sớm ban hành quy chuẩn quốc gia
Theo ông Nguyễn Quang Thảo - Trưởng phòng An toàn thực phẩm và công nghệ sinh học, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), hiện đang có sự không minh bạch về ghi nhãn sản phẩm. Sản phẩm công bố là sữa tiệt trùng nhưng lại là sữa hoàn nguyên gây rất nhiều khó khăn trong việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, Bộ Y tế cần khẩn trương làm rõ, tách bạch tên gọi để tạo điều kiện cho người tiêu dùng lựa chọn đúng sản phẩm.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh: Nếu không làm rõ, tách bạch đâu là sữa nguyên chất, sữa pha chế trong bối cảnh giá sữa thế giới đang giảm, sẽ xảy ra tình trạng nhập sữa nguyên liệu về pha, tác động không nhỏ đến ngành chăn nuôi và sản xuất sữa trong nước. Việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu có ý nghĩa quan trọng trong việc khuyến khích ngành sản xuất sữa trong nước phát triển.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu Cục Chăn nuôi khẩn trương xây dựng văn bản để ban hành Quy chuẩn về sữa tươi nguyên liệu trong tháng 6/2016. Bên cạnh đó, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Y tế cùng các Bộ liên quan tổng kết và đưa ra cơ chế cụ thể để thúc đẩy chương trình sữa học đường. Trước mắt, thúc đẩy chương trình thí điểm tại Nghệ An và các địa phương đang triển khai từ đó hướng đến mở rộng chương trình trên phạm vi toàn quốc.
Dự kiến, tháng 6/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức công bố Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu. |