Sóc Trăng: Phát triển ngành tôm theo hướng sản xuất sạch
Triển khai 20 mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP
Theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, năm 2024, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt 74.000 ha, hoàn thành 100% kế hoạch đề ra. Trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 50.820 ha, cá nước ngọt và cá lợ đạt 9.180 ha, còn lại là 4.000 ha diện tích nuôi các loại thủy sản khác.
Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng của tỉnh ước đạt 310.000 tấn, đạt 100% kế hoạch, trong đó sản lượng tôm nước lợ chiếm 212.000 tấn, cá nước ngọt hơn 94.400 tấn và các loại thủy sản khác đạt 3.550 tấn.
Sóc Trăng phát triển nuôi tôm nước lợ theo hướng bền vững, tập trung, sản xuất sạch. Ảnh: Soctrang.gov.vn |
Giá tôm nguyên liệu trong năm nay ghi nhận mức tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tôm thẻ chân trắng cỡ 50 con/kg có giá 123.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng/kg. Tôm cỡ lớn từ 20-30 con/kg có mức giá cao hơn 31.000 đồng/kg, trong khi các loại tôm cỡ nhỏ hơn từ 40-80 con/kg cũng tăng 17.800 đồng/kg so với năm trước.
Đặc biệt, trong năm 2024, Sóc Trăng triển khai 20 mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP tại các vùng nuôi trọng điểm của tỉnh. Các mô hình này bao gồm 6 mô hình nuôi tôm sú và 14 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, được thực hiện thông qua liên kết kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt.
Bên cạnh đó, công tác quan trắc môi trường được thực hiện thường xuyên, không phát hiện các yếu tố môi trường vượt ngưỡng nguy hiểm đối với thủy sản hay tình trạng ô nhiễm trên diện rộng. Cảnh báo dịch bệnh được thông tin liên tục, kịp thời, giúp kiểm soát tốt dịch bệnh trên tôm, đồng thời giữ tỷ lệ thiệt hại dưới mức 10%.
Áp dụng công nghệ hiện đại
Để phát triển bền vững ngành tôm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng đã xây dựng “Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” và đề án đã được HĐND tỉnh Sóc Trăng thông qua.
Theo đó, Đề án phát triển nuôi tôm nước lợ theo hướng bền vững, tập trung, sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số và các thành tựu khoa học kỹ thuật mang tính đột phá, thân thiện môi trường, phù hợp với đặc điểm sinh thái từng vùng, phát huy tiềm năng điều kiện tự nhiên về nuôi tôm nước lợ tại từng địa phương, các lợi thế về thị trường…
Mục tiêu của đề án nhằm tăng năng suất, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, có chất lượng cao, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái và tăng thu nhập cho người dân. Đầu tư phát triển ngành tôm theo tư duy hệ thống và chuỗi giá trị. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô lớn, làm đầu mối để liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, đầu ra. Phát triển sản xuất gắn chặt với nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm con tôm nước lợ.
Áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng tôm là ưu tiên hàng đầu. Ảnh minh họa: TC Người nuôi tôm |
Cùng với đó, bằng nguồn lực của ngân sách sẽ đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm nước lợ. Thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển các ngành nghề và dịch vụ phụ trợ (giống, thức ăn…) để tiến tới phát triển ngành công nghiệp nuôi tôm khép kín, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, dự báo năm 2025, ngành tôm Sóc Trăng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra các vùng nuôi, đồng thời tận dụng nguồn vốn từ ngân sách địa phương và các dự án tài trợ để đầu tư nạo vét kênh mương, cải tạo các công trình thủy lợi, phục vụ quy hoạch nuôi tôm bền vững. Tỉnh cũng sẽ rà soát và bổ sung các khu vực sông, kênh, rạch đầu nguồn mang tính chiến lược vào hệ thống cần quan trắc, nhằm bảo đảm chất lượng môi trường cho vùng nuôi thủy sản.
Công tác nâng cao năng lực cán bộ quan trắc môi trường sẽ được chú trọng, đồng thời hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cập nhật dữ liệu môi trường và dịch bệnh trực tuyến. Các đợt kiểm tra việc tuân thủ quy định quản lý môi trường nước và xả thải cũng sẽ được tổ chức thường xuyên, đặc biệt tại các khu vực nuôi tôm công nghệ cao, để ngăn ngừa tình trạng xả thải không đúng quy định gây ô nhiễm môi trường.
Đối với các hộ nuôi tôm, việc cải tạo ao nuôi và áp dụng quy trình nuôi bài bản là điều cần thiết để chuẩn bị tốt cho các vụ nuôi mới. Các hợp tác xã và hộ nuôi cũng kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng nguồn tôm giống nhập tỉnh, nhằm hạn chế nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sản xuất. Những giải pháp này không chỉ giúp ngành tôm Sóc Trăng vượt qua thách thức mà còn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới.
Để phát triển bền vững ngành tôm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng đã xây dựng “Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” và đề án đã được HĐND tỉnh Sóc Trăng thông qua. |