Sóc Trăng: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer
Dành nhiều nguồn lực quan tâm, chăm lo đời sống của đồng bào Khmer
Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long (30,19%), thời gian qua, trên cơ sở các Chủ trương, Chính sách của Đảng và Nhà nước về chăm lo, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào dân tộc và miền núi, đặc biệt là thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, tỉnh Sóc Trăng đã chủ động xây dựng hệ thống các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình, triển khai hiệu quả các mục tiêu đề ra.
Theo đó, từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, nguồn ngân sách địa phương đối ứng và huy động các nguồn lực khác đã cơ bản đáp ứng nhu cầu triển khai thực hiện các nội dung của chương trình. Trong đó, một số chương trình, dự án đã mang lại hiệu quả cao, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của các địa phương như: Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Sóc Trăng; xây dựng mô hình liên kết tôm - lúa; chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo... Từ sự kết hợp hiệu quả và sáng tạo các chương trình, dự án đã giúp công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số của Sóc Trăng đạt quả tốt.
Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh giảm được 7.270 hộ nghèo (2,19%), trong đó có 3.031 hộ nghèo Khmer; giảm 3.527 hộ cận nghèo (1,07%); trong đó giảm 1.353 hộ cận nghèo Khmer. Hiện tỉnh Sóc Trăng còn 15.139 hộ nghèo (4,54%) và 26.242 hộ cận nghèo (7,87%).
Tỉnh đã giải quyết việc làm cho 946 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo; đào tạo nghề cho 758 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định đạt 90,67% kế hoạch; hiện có 90,66% số hộ nghèo, cận nghèo được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh; 91,39% số hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận dịch vụ internet...
Lễ hội đua ghe ngo truyền thống của đồng bào Khmer ở tỉnh Sóc Trăng |
Bên cạnh việc giúp đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, Sóc Trăng xác định giáo dục là mục tiêu hàng đầu để nâng cao dân trí. Nhiều năm qua, hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên trong toàn tỉnh, nhất là vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu dạy và học. Nhờ đó chất lượng giáo dục của toàn tỉnh nói chung, vùng có đông đồng bào Khmer nói riêng không ngừng được nâng lên, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với khu vực thành thị.
Một điểm sáng tiếp theo trong công tác chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Khmer nói riêng là tỉnh Sóc Trăng đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, các thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Như tại ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, người dân đã tự nguyện hiến đất làm đường, đóng góp ngày công để mở rộng các tuyến đường, tạo thuận lợi cho việc giao thương, đi lại của bà con. Không chỉ làm đường, thời gian qua, người dân ở ấp Giồng Chùa A còn luôn tích cực tham gia nhiều hoạt động, phong trào khác của địa phương.
Hay như Trần Đề là huyện ven biển, trước đây đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Qua triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, địa phương này đã có nhiều đổi thay tích cực. Chủ tịch UBND huyện Trần Đề, Nguyễn Trọng Sơn cho biết: Đến nay, huyện có 6/9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có hai xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo trong tạo việc làm, phát triển sản xuất được triển khai đồng bộ, đúng đối tượng. Đến cuối năm 2022, trên địa bàn huyện có 1.200 hộ nghèo, chiếm 4,02% hộ, trong đó hộ Khmer nghèo là 767 hộ, chiếm 5,47%.
Anh Lâm Dal ở ấp Tú Điềm, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề thuộc hộ Khmer nghèo, bộc bạch: "Tôi không có đất sản xuất, được Nhà nước giúp vốn, tạo mô hình chăn nuôi bò, mỗi năm thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng, kinh tế gia đình hiện nay đã ổn định".
Mô hình chăn nuôi bò sữa mang lại thu nhập ổn định, giúp đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng thoát nghèo |
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn khẳng định: Chương trình mục tiêu quốc gia cùng nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc khác tiếp tục được các cấp, các ngành chỉ đạo triển khai thực hiện, đạt được kết quả tích cực, từ đó củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Cơ sở hạ tầng và đời sống đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng đã thay đổi rất nhiều. Đây chính là động lực để đồng bào tiếp tục đồng sức, đồng lòng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Tăng cường công tác trong tình hình mới
Trong chuyến làm việc khảo sát kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới tại tỉnh Sóc Trăng ngày 19/7, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh đánh giá cao việc Sóc Trăng triển khai thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW của Ban Bí thư. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có sự vào cuộc hiệu quả.
Theo báo cáo của Ban Dân vận tỉnh Sóc Trăng, qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.
Tỉnh đã hỗ trợ gần 26.900 hộ nghèo dân tộc thiểu số, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho trên 2.800 hộ và hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 555 hộ; vận động xã hội hóa nguồn lực xây nhà cho hộ nghèo 3.496 căn nhà, trong đó, trên 1.200 căn nhà cho đồng bào dân tộc Khmer. Công tác giáo dục, đào tạo được nâng lên, hệ thống trường dân tộc nội trú được quan tâm, đầu tư xây dựng. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục được chú trọng thực hiện, bản sắc văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy.
Bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng xác định, địa phương luôn quan tâm phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các sở, ngành và các địa phương luôn luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con đồng bào dân tộc, nắm sát tình hình và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc. Lãnh đạo Tỉnh ủy cũng kiến nghị với Đoàn tiếp tục quan tâm chính sách cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ địa phương về kinh phí trong việc đối ngoại và xây dựng lò hỏa táng ở một số chùa trên địa bàn.
Ông Triệu Tài Vinh cho rằng, công tác vùng đồng bào dân tộc tại Sóc Trăng sẽ tiếp tục được phát huy và đạt được nhiều kết quả phấn khởi hơn trong thời gian tới, đưa đời sống, vật chất, tinh thần của bà con dân tộc thiểu số tiếp tục được nâng lên.