Sóc Trăng: Cần hơn 61.500 tỷ đồng để đầu tư hệ thống cảng biển
Hệ thống cảng biển Sóc Trăng sẽ bao gồm 6 bến cảng
Ngày 14/5, Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăngcho biết, Bộ Xây dựng đã ban Quyết định số 590/QĐ-BXD về phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, cảng biển Sóc Trăng sẽ bao gồm các khu bến chính như Kế Sách, Đại Ngãi, Trần Đề cùng với các bến phao, khu neo đậu, khu chuyển tải và khu tránh trú bão. Đến năm 2030, mục tiêu thông qua hàng hóa đạt từ 30,7 triệu tấn đến 41,2 triệu tấn, trong đó hàng container đạt từ 0,97 triệu TEU đến 1,36 triệu TEU. Lượng hành khách thông qua dự kiến đạt từ 522,1 nghìn lượt đến 566,3 nghìn lượt.
Phối cảnh Cảng biển Trần Đề. Ảnh minh họa |
Hệ thống cảng sẽ có tổng cộng 06 bến cảng với từ 16 đến 18 cầu cảng, tổng chiều dài từ 2.693 m đến 3.493 m. Về tầm nhìn đến năm 2050, lượng hàng hóa sẽ tăng trưởng trung bình từ 5,5% đến 6,1% mỗi năm, hành khách tăng từ 1,1% đến 1,25% mỗi năm. Hạ tầng cảng biển tiếp tục được đầu tư để hình thành cảng cửa ngõ cho toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Quy hoạch chi tiết đến năm 2030 bao gồm từng khu bến cụ thể. Khu bến Đại Ngãi sẽ xử lý từ 3,2 triệu đến 3,8 triệu tấn hàng hóa thông qua một bến cảng với 6 cầu cảng dài 630 m, chủ yếu phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, tiếp nhận tàu trọng tải đến 10.000 tấn đầy tải hoặc 20.000 tấn giảm tải. Khu bến Kế Sách dự kiến thông qua từ 1,9 triệu đến 3,7 triệu tấn hàng hóa với 2 bến cảng gồm 4 cầu cảng dài tổng cộng 920 m, bao gồm bến tổng hợp Cái Côn và bến xăng dầu Mỹ Hưng, tiếp nhận tàu đến 20.000 tấn và 15.000 tấn tương ứng.
Riêng Khu bến Trần Đề có hai phân khu gồm bến trong sông Hậu và bến ngoài khơi cửa Trần Đề. Bến trong sông Hậu sẽ xử lý khoảng 1 triệu đến 1,1 triệu tấn hàng hóa và khoảng 522.000 đến 566.000 lượt hành khách, với 4 cầu cảng dài 343 m. Trong khi đó, bến ngoài khơi cửa Trần Đề sẽ có từ 2 đến 4 cầu cảng tổng hợp, container và hàng rời, dài từ 800 m đến 1.600 m, có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, container đến 100.000 tấn và tàu hàng rời đến 160.000 tấn, với công suất thông qua từ 24,6 triệu đến 32,5 triệu tấn hàng hóa.
Ngoài ra, quy hoạch còn bao gồm các bến phao, khu neo đậu, khu chuyển tải và khu tránh trú bão tại các khu vực Định An, Trần Đề, Đại Ngãi, Kế Sách. Tầm nhìn đến năm 2050, bến cảng ngoài khơi Trần Đề sẽ phát triển đến khoảng 14 cầu cảng để đáp ứng tốc độ tăng trưởng hàng hóa. Về kết cấu hạ tầng hàng hải, sẽ duy trì chuẩn tắc luồng hiện hữu, có thể đầu tư luồng mới theo hướng xã hội hóa, đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ an toàn hàng hải và quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển.
Kết nối giao thông cũng được chú trọng với việc triển khai đường bộ, đường thủy nội địa và ven biển theo quy hoạch, đảm bảo liên kết hiệu quả với hệ thống logistics. Các bến cảng khác như bến du thuyền, bến phục vụ cơ quan nhà nước, nghiên cứu, huấn luyện, đào tạo và các bến hỗ trợ thu gom, giải tỏa hàng hóa bằng đường thủy cũng được tích hợp trong quy hoạch. Những bến cảng phục vụ trực tiếp cho các cơ sở công nghiệp mới sẽ được Thủ tướng Chính phủ xem xét cập nhật vào quy hoạch chi tiết sau khi có đề xuất cụ thể.
Cần hơn 61.500 tỷ đồng để đầu tư hệ thống cảng biển
Theo tính toán, để phát triển hệ thống cảng biển tại Sóc Trăng, tổng nhu cầu sử dụng đất đến năm 2030 khoảng 1.331 ha (chưa bao gồm các khu công nghiệp, logistics) và mặt nước khoảng 148.486 ha (bao gồm vùng nước không bố trí công trình hàng hải).
Về nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển Sóc Trăng đến năm 2030 khoảng 61.513 tỷ đồng gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hảng hải công cộng khoảng 19.607 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 41.906 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Về các dự án ưu tiên đầu tư, quy hoạch tập trung vào việc phát triển hạ tầng công cộng cho bến cảng ngoài khơi Trần Đề như luồng tàu, đê chắn sóng, cầu vượt biển và các công trình bảo đảm an toàn hàng hải như khu neo đậu tránh trú bão, hệ thống VTS, đài thông tin duyên hải. Ngoài ra, sẽ kêu gọi đầu tư các bến phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 và các bến ngoài khơi Trần Đề.
Giải pháp thực hiện quy hoạch bao gồm nhiều nội dung quan trọng. Về cơ chế, chính sách, sẽ khuyến khích đầu tư bến cảng phục vụ chung tại các khu công nghiệp để tối ưu hóa nguồn lực, đồng thời hỗ trợ các cơ quan nhà nước và đơn vị đào tạo trong việc bố trí cơ sở tại các bến mới. Chính sách về giá, phí cảng biển cũng sẽ được hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng tính hấp dẫn với các hãng tàu.
Về huy động vốn đầu tư, quy hoạch khuyến khích đa dạng hóa các nguồn lực trong và ngoài nước, đẩy mạnh xã hội hóa, khai thác hiệu quả các nguồn thu từ quỹ đất, mặt nước và cho thuê khai thác hạ tầng. Doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong đầu tư, bảo trì hạ tầng công cộng tại cảng biển. Về khoa học, công nghệ và môi trường, sẽ thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số và sử dụng năng lượng xanh, điện tại các cảng để đáp ứng tiêu chí cảng xanh, cảng thông minh.
Nguồn nhân lực cũng là trọng tâm với định hướng đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao trong công tác quản lý, khai thác cảng biển. Cơ chế đặt hàng đào tạo sẽ được nghiên cứu áp dụng. Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế sẽ được đẩy mạnh thông qua các chính sách ưu đãi, thực hiện các thỏa thuận biển, tăng cường tiếp cận hỗ trợ kỹ thuật, tài chính từ đối tác và tổ chức quốc tế.
Với việc Quy hoạch chi tiết phát triển cảng biển Sóc Trăng đến năm 2050 vừa được phê duyệt, tỉnh Sóc Trăng đang bước vào một giai đoạn phát triển quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho việc nâng cao năng lực vận tải và kết nối logistics của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Với tầm nhìn dài hạn và các giải pháp triển khai đồng bộ, Sóc Trăng sẽ trở thành một trong những trung tâm cảng biển trọng điểm của khu vực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và toàn bộ khu vực. |