Ảnh minh họa |
Xin ông cho biết, những đối tượng doanh nghiệp nào sẽ bị cấm vay ngoại tệ theo Thông tư 24, NHNN có phải muốn “siết” việc cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp?
Trong 4 nhóm đối tượng có nhu cầu vay ngoại tệ, chỉ một nhóm đối tượng thuộc diện bị cấm cho vay ngoại tệ kể từ ngày 31/3/2016. Đó là với trường hợp doanh nghiệp chỉ muốn vay ngoại tệ sau đó bán đi lấy tiền VND để hưởng mức chênh lệch lãi suất cao, bởi thực chất bản thân họ chỉ có nhu cầu tiền VND chứ không phải ngoại tệ. Nhóm đối tượng này vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam.
Trên thực tế, những khách hàng có nhu cầu ngoại tệ chính đáng vẫn được vay ngoại tệ như trước đây. Cụ thể, các doanh nghiệp vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.
Ông Bùi Quốc Dũng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ |
Thứ hai, doanh nghiệp vay để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.
Thứ ba, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công Thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.
Tại sao NHNN lại thu hẹp nhóm đối tượng thứ tư là doanh nghiệp có nhu cầu vốn ngắn hạn trong nước, để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, thưa ông?
Như tôi đã nói ở trên, đối tượng này không có nhu cầu thực sự mà chỉ vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn trong nước, mục tiêu là họ muốn hưởng lãi suất thấp từ việc vay ngoại tệ chứ không cần ngoại tệ. Trước đây, NHNN cho phép tổ chức tín dụng xem xét cho vay ngoại tệ đối với nhu cầu vay vốn này nhằm giúp doanh nghiêp giảm chi phí vay vốn, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, nền kinh tế tăng trưởng tốt nên đối tượng cần thu hẹp lại, chỉ phục vụ đúng đối tượng cần ngoại tệ. Với bối cảnh kinh tế phục hồi, cầu về ngoại tệ tăng lên như hiện nay thì cái lợi cho doanh nghiệp hưởng chênh lệch lãi suất không còn nhiều. Số liệu thống kê của NHNN cho thấy nhóm đối tượng vay như thế này hiện còn ít.
Từ 1/4 /2016, doanh nghiệp, người dân có nhu cầu vay ngoại tệ, ngân hàng có đáp ứng hay không, thưa ông?
Theo quy định, những đối tượng có nhu cầu chính đáng về vay ngoại tệ vẫn được vay như trước đây. NHNN chỉ chấm dứt đối với trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ và có nhu cầu vay ngoại tệ để thanh toán chi phí trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất hàng xuất khẩu. Nhóm đối tượng vay ngắn, trung và dài hạn để phục vụ thanh toán ra nước ngoài, tiền nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ phục vụ sản xuất hàng hóa xuất khẩu vẫn giữ nguyên như Thông tư cũ và không có giới hạn thời gian đối với nhóm đối tượng này.
Xin cảm ơn ông.