Cơ chế mua bán điện trực tiếp: Tính đúng, đủ chi phí hạ tầng truyền tải, vận hành Bộ Công Thương tổ chức họp lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp |
Phát biểu ý kiến thảo luận tại Tổ ngày 23/5 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trương Quốc Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định mua bán điện trực tiếp DPPA.
Sẽ trình dự thảo Nghị định DPPA trong tháng 5
Theo đại biểu, Hà Nam có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có nhu cầu sử dụng năng lượng sạch để tăng tính cạnh tranh, do đó đại biểu đề nghị chính phủ sớm ban hành Cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA.
Đại biểu Trương Quốc Huy (Ảnh: Thu Hường) |
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn- ĐBQH tỉnh Trà Vinh cũng đề nghị DPPA mở rộng và hỗ trợ phát triển điện mặt trời mái nhà. Hiện Bộ Công Thương đã đề xuất điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu và không có sự tham gia của bên thứ 3. Theo đại biểu, doanh nghiệp không có vốn thì có thể nhờ bên thứ 3 đầu tư và doanh nghiệp mua lại miễn làm sao khuyến khích doanh nghiệp sử dụng được nguồn tài nguyên đó hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề đại biểu tỉnh Hà Nam kiến nghị, trên cơ sở ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép xây dựng và ban hành Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) theo trình tự, thủ tục rút gọn, dự thảo Nghị định DPPA quy định 02 chính sách về mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn qua đường dây riêng và qua lưới điện quốc gia, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng hoàn thiện dự thảo và đang lấy ý kiến rộng rãi công khai.
Trong Dự thảo Nghị định đã nêu rõ mục đích bao gồm: (i) Đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng; (ii) Góp phần thu hút đầu tư phát triển bền vững năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường; (iii) Là bước chuẩn bị cần thiết để chuyển sang vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam; và (iv) Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện.
Tính đến ngày 23 tháng 5 năm 2024, Bộ Công Thương đã nhận được 300 ý kiến, văn bản góp ý (13 văn bản của Bộ, cơ quan ngang bộ, 48 văn bản của cơ quan cấp tỉnh, 33 văn bản của các hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động điện lực, các ý kiến trực tiếp tại các cuộc họp, hội thảo và chưa nhận được ý kiến nào trên cổng). Hiện Bộ Công Thương đang tiếp tục gấp rút hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ trong tháng 5/2024.
Cần phân biệt rõ cơ chế DPPA và cơ chế điện mặt trời mái nhà
Liên quan đến ý kiến của đại biểu Trần Quốc Tuấn- ĐBQH tỉnh Trà Vinh về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu (ĐMTMN), trước đó, tại các cuộc hội thảo lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, xã hội, Bộ Công Thương cho biết: Việc phát triển ĐMTMN không giới hạn về công suất chỉ có thể thực hiện được trong điều kiện công nghệ phát triển và nguồn điện mái nhà không gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện quốc gia. Nếu không có nguồn điện nền ổn định thì không quốc gia nào có thể phát triển một cách vô hạn nguồn điện từ năng lượng mặt trời.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn- ĐBQH tỉnh Trà Vinh (Ảnh: quochoi.vn) |
Tại Dự thảo Hồ sơ đề xuất xây dựng nghị định quy định cơ chế khuyến khích phát triển ĐMTMN tự sản, tự tiêu đang xin ý kiến góp ý, đối tượng dự kiến áp dụng đã bao gồm các công trình nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp (Theo Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 14/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ).
Về chủ trương đối với sản lượng điện dư dư thừa: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 về phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu về quan điểm, mục tiêu phát triển “Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia)”. Như vậy, việc cho phép bán phần điện dư thừa lên hệ thống điện quốc gia sẽ không phù hợp với Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, theo Tổng sơ đồ VIII đến 2030 có 2.600 MW điện mặt trời. Công suất đã được phân bổ cho các địa phương. Nếu các doanh nghiệp muốn làm thì phải thực hiện các thủ tục phát triển dự án theo quy định (nằm trong kế hoạch thực hiện quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, các thủ tục về xây dựng, pccc...).
Mặt khác, việc áp dụng cơ chế DPPA sắp tới mới thí điểm và đã được quy định rõ ràng ở Dự thảo Nghị định mà Bộ Công Thương (đã trình), chỉ áp dụng với bên bán điện có quy mô công suất từ 10MW trở lên, bên mua điện là khách hàng lớn có sản lượng điện tiêu thụ từ 500 KWh và 1 triệu kWh. Sở dĩ quy định như vậy vì còn liên quan đến công tác quản lý, vận hành hệ thống điện, hệ thống lưu trữ và còn liên quan đến nhiều cơ chế giá khác theo quy định của pháp luật. Do đó cần phân biệt rõ ràng về cơ chế DPPA và cơ chế điện mặt trời mái nhà.
Vẫn biết nhu cầu của doanh nghiệp là chính đáng và rất thực tế song xét trên bình diện an ninh năng lượng thì mọi cơ chế cần phải phù hợp với hiện trạng hệ thống điện Việt Nam, đặc biệt là hài hoà lợi ích giữa các bên.