Thứ tư 14/05/2025 23:16

Đại biểu Quốc hội đề nghị sửa quy định bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch tỉnh

Góp ý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), nhiều đại biểu đề xuất chỉnh sửa để đồng bộ với Hiến pháp và thực tiễn vận hành.

Sáng 14/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Sửa đổi để thống nhất trong bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch tỉnh

Góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn Bình Dương cho rằng việc miễn nhiệm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần đặt trong tổng thể tư duy thể chế, không chỉ là quản lý mà phải kiến tạo.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương). Ảnh: VPQH

Điều này đòi hỏi cơ chế trao quyền hợp lý hơn cho cả chính quyền địa phương và Trung ương, đặc biệt là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đúng theo tinh thần Điều 98 Hiến pháp, nhằm đảm bảo sự linh hoạt trong điều hành hệ thống hành chính quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân dẫn chiếu quy định tại khoản 2, Điều 36 của Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Hội đồng Nhân dân bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo giới thiệu của Chủ tịch Hội đồng nhân dân và bầu các chức danh khác theo giới thiệu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Điều này phù hợp với Điều 114 của Hiến pháp năm 2013.

Tuy nhiên, ông cho biết: Tại khoản 4, Điều 37 lại quy định Hội đồng nhân dân có quyền bãi nhiệm các chức danh do mình bầu ra, trong khi Điều 41 lại cho phép Thủ tướng quyết định cách chức, điều động Chủ tịch Uỷ ban nhân dân mà không cần Hội đồng nhân dân miễn nhiệm. Dù quy định này vẫn nằm trong khuôn khổ Hiến pháp nhưng xét về mặt logic thể chế chưa hợp lý. Hội đồng nhân dân bầu thì cũng phải là cơ quan miễn nhiệm.

Để giải quyết bất cập trên, vị đại biểu này cho rằng nên sửa Điều 36, Hội đồng nhân dân không phải bầu chức danh chủ tịch mà giới thiệu để Thủ tướng phê chuẩn. Về phần mình, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân sẽ giới thiệu các phó chủ tịch và thành viên Uỷ ban nhân dân khác để Hội đồng nhân dân phê chuẩn ngay từ đầu nhiệm kỳ. Những lần thay đổi sau đó có thể theo thẩm quyền điều động, báo cáo lại để đảm bảo minh bạch và linh hoạt.

Toàn cảnh phiên họp sáng 14/5. Ảnh: VPQH

Do đó, đại biểu đề nghị, để thống nhất giữa Điều 36 và Điều 41 của dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Quốc hội xem xét sửa thêm Điều 114 của Hiến pháp vốn đã nằm trong nhóm 8 điều đang được đề xuất sửa đổi để thống nhất và đảm bảo tính đồng bộ giữa các quy định trong Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, phù hợp hơn với yêu cầu điều hành thực tiễn.

Làm rõ trách nhiệm điều hành của cấp tỉnh

Góp ý cho Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn Bắc Giang cho rằng cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong chỉ đạo, điều hành các cơ quan chuyên môn và chính quyền cấp xã.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang). Ảnh: VPQH

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng, cần thiết phải bổ sung vào Điều 11 của dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong trường hợp cần thiết, trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Uỷ ban nhân dân cấp mình, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã như khoản 4 Điều 11 đã thể hiện: "4. Việc phân quyền, phân cấp, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, các cơ quan của chính quyền địa phương tại các văn bản quy phạm pháp luật phải phù hợp với quy định tại Luật này, bảo đảm quyền lực Nhà nước được kiểm soát hiệu quả. Trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã".

Theo khoản Điều 11 nêu trên, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà nhận thấy việc quy định rất chung chung thẩm quyền này của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong "trường hợp cần thiết” là chưa thể hiện rõ trách nhiệm của cấp tỉnh và có thể dẫn đến những vướng mắc, bất cập, thiếu thống nhất trong tổ chức thi hành. Do đó, đại biểu Hà đề nghị có quy định chặt chẽ hơn ngay trong Luật này hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để tăng cường trách nhiệm của cấp tỉnh trong việc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã.

Bên cạnh đó, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cũng cho rằng cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, nhất là luật có liên quan về phân cấp, phân quyền, ủy quyền để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về cơ sở pháp lý cho việc thực hiện tổ chức thực hiện.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương (chương IV), đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị cần thể chế hóa kịp thời các nghị quyết mới của Bộ Chính trị, như Nghị quyết 66 (ban hành ngày 30/4/2025), nhằm đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật trong kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.

"Đây là những nội dung mang tính định hướng lớn, cần được cụ thể hóa trong hệ thống luật pháp, không chỉ ở cấp Nghị quyết Quốc hội mà cả trong luật và các văn bản dưới luật" - Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà nhấn mạnh.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp là công việc hết sức hệ trọng nhằm thể chế hoá kịp thời kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Thu Hường
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Chính trị

Tin cùng chuyên mục

Cần tiêu chí riêng để đánh giá cán bộ, công chức theo vị trí việc làm

Sửa luật ngân sách: Phân cấp nguồn thu, tăng quyền địa phương

Ra mắt Tủ sách điện tử Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trình Quốc hội Luật tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Chính quyền địa phương hai cấp: Dấu mốc cải cách thể chế lịch sử

Thủ tướng: Mở đợt đấu tranh cao điểm chống hàng giả, gian lận thương mại

Sửa Hiến pháp năm 2013: Đại biểu Quốc hội đề nghị giữ nguyên cơ chế chất vấn

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Hoàn thiện chính sách chống buôn lậu, gian lận thương mại

Sửa Hiến pháp cần thể chế rõ mô hình chính quyền hai cấp

Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn, đẩy lùi, chấm dứt buôn lậu hàng giả

Thảo luận về sửa Hiến pháp: Bảo đảm tính thống nhất, không bỏ sót quyền hạn địa phương

Tổng Bí thư: Tăng cường vận động nhân dân đóng góp sửa đổi Hiến pháp qua ứng dụng VNeID

Thủ tướng: Xây dựng, phát huy bản sắc ngoại giao Việt Nam

Tháo gỡ rào cản tài chính cho khoa học công nghệ

Toàn cảnh Lễ hội Hoa Phượng Đỏ: Rực rỡ 'bữa tiệc' ánh sáng

Hải Phòng: Khánh thành cảng container quốc tế gần 7.000 tỷ đồng

Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Thủ tướng làm việc với doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam

Mở rộng không gian phát triển dược liệu từ rừng

Hải Phòng: Khánh thành Bến cảng Container quốc tế số 3, 4