Sẽ tổ chức nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề
Kiểm toán nhà nước vừa tổ chức tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2022 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Các đại biểu tham dự tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ giai đoạn 2020-2022. Ảnh N.Lộc |
Chia sẻ tại tọa, đàm các đại biểu cho biết, qua kiểm toán đã có những phát hiện quan trọng trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ: Kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ những năm qua chưa đạt tỉ lệ tối thiểu 2% tổng chi ngân sách...; các văn bản quy phạm pháp luật chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ nhằm tạo động lực khuyến khích phát triển thị trường khoa học công nghệ; còn một số vướng mắc về cơ chế như chưa có quy định về đấu giá tài sản là kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ...
Việc giao dự toán kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ chưa sát với thực tiễn đề xuất cũng như vượt quá khả năng của đơn vị, giao không đúng tiến độ; việc thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ chậm tiến độ so với thuyết minh được phê duyệt, nhiều nhiệm vụ phải xin gia hạn thời gian thực hiện dẫn đến số chi chuyển nguồn kinh phí hàng năm còn lớn, phần nào gây lãng phí nguồn lực ngân sách...
Tại tọa đàm, bên cạnh việc đánh giá những kết quả đạt được, những phát hiện nổi bật từ cuộc kiểm toán chuyên đề này, các ý kiến đã góp ý để nâng cao hơn nữa hiệu quả kiểm toán chuyên đề nói chung, kiểm toán chuyên đề khoa học công nghệ nói riêng.
Theo Phó Kiểm toán Trưởng Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III Phạm Thành Ngọc, đối với quy định “bố trí kinh phí cho khoa học công nghệ từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm được quy định tại Luật Khoa học công nghệ” Bộ Khoa học và Công nghệ cần báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định và phân bổ ngân sách phù hợp, khắc phục tình trạng sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước chưa hiệu quả, góp phần giúp cho việc quản lý, sử dụng ngân sách cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả.
Cũng theo Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III - đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, kết quả kiểm toán tại Bộ Khoa học và Công nghệ làm cơ sở để kiến nghị với Bộ tập trung rà soát việc thực hiện các quy định tại Luật Khoa học công nghệ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khoa học công nghệ đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, cũng như báo cáo Chính phủ trình Quốc hội để thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về phát triển khoa học công nghệ.
Kết luận tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cho biết, qua công tác kiểm toán cho thấy, công tác tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về khoa học công nghệ còn nhiều sai phạm gây lãng phí ngân sách nhà nước, như: chi chuyển nguồn hàng năm còn lớn; tồn tại trong công tác lập, phân bổ, giao và thực hiện dự toán khoa học công nghệ, trong công tác thẩm định, phê duyệt và thanh quyết toán nhiệm vụ khoa học công nghệ, công tác mua sắm, xử lý tài sản; quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ chưa hiệu quả…
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị, trong thời gian tới, Kiểm toán nhà nước sẽ tổ chức nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề, do đó, các đơn vị cần tiếp tục thảo luận, thống nhất để có cách làm hiệu quả đối với chuyên đề tương tự.