Sản xuất công nghiệp Đồng Nai khởi sắc 9 tháng đầu năm 2022
Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các cấp các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai đã tập trung đẩy mạnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ, đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đáng chú ý là các lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai 9 tháng năm 2022 tiếp tục có chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp đã từng bước phục hồi và ổn định sản xuất. Thị trường trong nước hồi phục, nhu cầu tăng ở cả trong nước và thế giới là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, sản xuất công nghiệp bước sang quý III bắt đầu chững lại. Các doanh nghiệp sản xuất còn gặp những khó khăn như: chuỗi cung ứng vật tư có nguy cơ gián đoạn, đặc biệt cung ứng nguyên nhiên vật liệu, do chịu ảnh hưởng bất ổn về chính trị giữa Nga và Ukraina diễn biến phức tạp, giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao; các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, một số ngành đang đối mặt với tình trạng đơn hàng giảm, thiếu việc làm, cho công nhân nghỉ việc, cạnh tranh lao động giữa các ngành có xu hướng tăng v.v.., ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp.
Dây chuyền sản xuất găng tay của Công ty Nam Long |
Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9/2022 giảm 1,07% so tháng trước, trong đó: khai khoáng tăng 1,01%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,26%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 2,78%; cung cấp nước,hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 0,84%.
Có 12/27 ngành giảm so tháng trước như: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 1,82%; dệt giảm 0,25%; sản xuất trang phục giảm 1,77%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 0,12%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 1,16%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất giảm 1,24%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 0,67%; sản xuất kim loại giảm 1,96%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 0,19%; sản xuất máy móc, thiết bị giảm 23,3%.
Nguyên nhân giảm chủ yếu do đơn hàng giảm. Doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất như: giá nguyên liệu đầu vào, dịch vụ logistics tiếp tục tăng, thị trường tiêu thụ sản phẩm giảm…
Chỉ số sản xuất công nghiệp quý III/2022 giảm 0,36% so quý II/2022 và tăng 9,53% so với cùng kỳ. Trong đó: Khai khoáng tăng 11,83%; nhóm ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 8,67%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 5,41%. Sản xuất công nghiệp trong quý III chững lại do giá nguyên liệu tăng cao, dẫn đến nguồn cung nguyên liệu bị giảm mạnh, nhập khẩu nguyên liệu chịu tác động khá nặng nề, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng sản xuất.
Một số ngành sản xuất giày dép, sản phẩm gỗ, dệt may, điện tử… Xuất khẩu giảm là do đơn hàng của các doanh nghiệp ít, không ký kết được các hợp đồng sản xuất mới, theo đó sản xuất cũng bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp sản xuất có quy mô lớn đều giảm sản lượng sản xuất, công nhân nghỉ việc luân phiên như Công ty Dệt Tainan, Công ty Giày da Taiwan Vina, Công ty Changshin,..
Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng/2022 tăng 7,83% so cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng tăng 5,85%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,01%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 4,55%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 6,31%. Sở dĩ chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng khá cao do quý III/2021 ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giảm mạnh so cùng kỳ (chỉ số IIP quý III/2021 giảm 6% so cùng kỳ).
Sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng khá so cùng kỳ do thời điềm từ tháng 7/2021 ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, hoặc chỉ sản xuất trong điều kiện “3 tại chỗ”, “01 cung đường”, 02 địa điểm trong thời gian dài. Hầu hết các ngành chỉ số sản xuất 9 tháng đầu tăng so cùng kỳ, trong đó một số ngành sản xuất công nghiệp có chỉ số sản xuất 9 tháng/2022 tăng khá so cùng kỳ như: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 3,54%; sản xuất đồ uống tăng 5,73%, dệt tăng 4,52%; sản xuất trang phục tăng 8,41%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 7,82%; sản xuất hóa chất tăng 7,64%.v.v… một số ngành sản xuất khác như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 6%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 11,49%; sản xuất kim loại đúc sẵn tăng 9,17%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,04%, sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu tăng 19,76%...
Nhìn chung, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục cho thấy khả năng phục hồi và phát triển, nhất là một số ngành sản xuất chủ lực giữ vai trò quan trọng cho tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên bước sang quý III sản xuất công nghiệp bắt đầu chững lại, các doanh nghiệp sản xuất gặp những khó khăn do thiếu đơn hàng, chuỗi cung ứng vật tư có nguy cơ gián đoạn, một số ngành đang đối mặt với nguy cơ đơn hàng giảm và cạnh tranh lao động giữa các ngành có xu hướng tăng... ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp.
Trước tình hình đó, Sở Công Thương tỉnh phối hợp các ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhằm đẩy mạnh sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp tìm thêm đối tác, thị trường để có đơn hàng mới, đảm bảo sản xuất và mở rộng xuất khẩu sản phẩm trong những tháng cuối năm.