9 tháng năm 2024: Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh tăng 7,5% Nhiều dự án chậm tiến độ: Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh yêu cầu thay thế nhà thầu khác |
Bức tranh kinh tế tháng 10 chưa hoàn hảo
Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh cho thấy, trong tháng 10/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của địa phương giảm tới 6,85% so với tháng trước và giảm 6,05% cùng kỳ năm trước; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm nhiều nhất 6,9%.
Bắc Ninh tin tưởng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 với mức 5-6%. Ảnh: bacninh.gov.vn |
Một trong những nguyên nhân khiến sản xuất công nghiệp gặp khó là do các doanh nghiệp thuộc ngành 26 (ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học) sụt giảm; trong đó đáng chú ý tại thị trường điện thoại thông minh cao cấp, Samsung cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Apple và Huawei.
Sản xuất công nghiệp giảm cũng đã kéo theo chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm. Tại thời điểm ngày 1/10/2024, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 0,23% so với tháng trước và giảm 8,67% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, chỉ số sử dụng lao động của toàn ngành công nghiệp giảm 4,29% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tình hình đăng ký doanh nghiệp chưa có sự bứt phá: Có 307 doanh nghiệp được thành lập mới trong tháng 10 tăng 20,9% so với tháng trước, nhưng lại giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, có 106 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 89,3%, song cũng có 130 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 78,1% và cũng có 31 doanh nghiệp giải thể tự nguyện, tăng 29,2% so với tháng trước.
Báo cáo còn cho thấy, trong tháng 10/2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý đạt 498 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,0% nhưng giảm tới 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 10 tháng, ước tính vốn đầu tư đạt 4.353 tỷ đồng, chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của ngân sách địa phương đạt thấp 50,1% kế hoạch vốn năm 2024.
Đáng chú ý, trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước ở tháng 10/2024 giảm nhiều so với cùng kỳ, do hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số ngành gặp khó khăn thì việc chi ngân sách địa phương lại tăng nhiều so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. “Điều này làm ảnh hưởng đến tăng trưởng vốn đầu tư công, nguồn vốn mồi cho nền kinh tế, đồng thời tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh”, Cục Thống kê Bắc Ninh nhận định.
Còn nhiều hy vọng
Giới chuyên gia đánh giá, dù chỉ số sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh trong tháng 10/2024 giảm tới 6,85% so với tháng trước và giảm 6,05% cùng kỳ năm trước nhưng tính chung 10 tháng của năm 2024 vẫn tăng 5,28%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,8% so với cùng kỳ; thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng 13%... là những cơ sở quan trọng để Bắc Ninh tin tưởng có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 với mức tăng 5-6%.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị rà soát, đánh giá chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội 10 tháng năm 2024; dự báo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn yêu cầu Cục Thống kê chủ động tham mưu cho tỉnh, vận dụng phương pháp thống kê, tổng hợp, lấy mẫu để đạt kết quả thống kê chính xác nhất, phản ánh đúng, đủ kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh sẽ thành lập Tổ giúp việc chỉ số tăng trưởng do Cục Thống kê làm tổ trưởng, thành viên gồm các sở, ngành liên quan và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Các sở, ngành có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê để liên thông số liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thống kê nhanh chóng và chính xác nhất.
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ, Bắc Ninh cũng sẽ tập trung nguồn vốn đầu tư cho các công trình phúc lợi công cộng, xử lý môi trường, dự án trọng điểm quốc gia, của tỉnh có sức lan tỏa, tạo không gian, dư địa, dẫn dắt đầu tư xã hội, tạo nền tảng phát triển cho tỉnh và các địa phương.
Một lần nữa, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh khẳng định, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, minh bạch, tiếp nhận, lắng nghe và xử lý khó khăn vướng mắc để đồng hành cùng nhà đầu tư.
Cụ thể hóa quan điểm, thời gian qua, bên cạnh việc tích cực đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư nước ngoài, Bắc Ninh tăng cường đối thoại, gặp gỡ doanh nghiệp trên các lĩnh vực nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp phát triển.
Ngay giữa tháng 10 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn trực tiếp kiểm tra tình hình thu hút đầu tư và nghe doanh nghiệp đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp Gia Bình, Gia Bình II, Thuận Thành III-phân khu B, Thuận Thành II nêu những thuận lợi, khó khăn trong triển khai dự án thể hiện sự đồng hành và thấu hiểu, sâu sát và trách nhiệm. Những vướng mắc của doanh nghiệp được người đứng đầu chính quyền tỉnh chỉ đạo hướng giải quyết kịp thời.
Cùng với việc tập trung đầu tư phát triển kinh tế, Bắc Ninh cũng đẩy mạnh quan tâm, hỗ trợ, tạo việc làm, tháo gỡ khó khăn cho người lao động mất việc, giãn việc khi Tết Nguyên đán cận kề. Theo lãnh đạo Cục Thống kê Bắc Ninh, hơn lúc nào hết, cần có chính sách hỗ trợ kịp thời để vừa nuôi dưỡng nguồn lực lao động song cũng là phát triển doanh nghiệp. Ngoài ra, cần có chiến lược lâu dài để duy trì việc làm ổn định cho người lao động. Do đó các ngành chức năng tập trung triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp...
Năm 2024, dự kiến Bắc Ninh có 2/17 chỉ tiêu vượt kế hoạch; 8/17 chỉ tiêu đạt kế hoạch; 5/17 chỉ tiêu cần tiếp tục quyết tâm phấn đấu để đạt kế hoạch; 2/17 chỉ tiêu tính số liệu cuối năm. Trong đó, kế hoạch tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) khoảng 5-6%, tăng 5% so với thực hiện năm 2023 hoàn toàn có khả năng đạt kế hoạch đề ra. |