Sản phẩm xanh: Xu hướng tiêu dùng mới
Cần có chính sách toàn diện, có tính kết nối
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Lê Quang Vinh, hiện phát triển bền vững nói chung, chuyển đổi mô hình kinh tế truyền thống “vị” lợi nhuận sang kinh doanh bền vững không còn là một lựa chọn “làm” hay “không làm” mà đã trở thành con đường duy nhất cho tương lai.
Do đó, Chính phủ cần sớm ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn, trong đó phân công rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương trong vấn đề xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ sở dữ liệu kết nối, quy hoạch vùng, khu công nghiệp… Đây có thể là khung chính sách quan trọng nhất nhằm thúc đẩy các mô hình kinh doanh tuần hoàn được doanh nghiệp triển khai.
Năm 2022, Công ty CP Nhựa Tái chế Duy Tân xuất khẩu 4.000 tấn hạt nhựa sang Hoa Kỳ |
Ông Lê Anh - Giám đốc Phát triển bền vững – Công ty CP Nhựa tái chế Duy Tân cho biết: Các sản phẩm nhựa tái chế của Duy Tân đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe cho thị trường xuất khẩu. Năm 2022, công ty đã xuất khẩu 4.000 tấn hạt nhựa tái chế vào Hoa Kỳ. “Chúng tôi bán sản phẩm tái chế bằng rác vào Hoa Kỳ, góp phần xanh hóa Việt Nam, Nhựa tái chế Duy Tân khuyến khích thu gom rác thải tại nguồn, mỗi ngày chúng tôi thu gom khoảng 90 tấn rác thải nhựa, do sản xuất sản phẩm chất lượng cao nên lượng hao hụt lên đến 50%. Vì vậy, chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành tiêu chuẩn cho sản phẩm tái chế, đặc biệt trong lĩnh vực tái chế nhựa”- ông Lê Anh chia sẻ.
Đảm bảo chuỗi cung ứng xanh
Bà Lê Thị Hoài Thương - Quản lý Đối ngoại và Truyền thông cấp cao Nestlé Việt Nam cho biết: Chuỗi cung ứng đóng vai trò là “xương sống” của Tập đoàn Nestlé. Các tính toán của Nestlé cho thấy, khoảng 90% tổng lượng khí nhà kính của tập đoàn đến từ chuỗi giá trị, gồm các hoạt động như chăn nuôi, trồng trọt và cung ứng, vận tải hàng hóa… Chính vì thế, chuyển đổi số chuỗi cung ứng giúp cho việc hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 (Net Zero) được Tập đoàn Nestlé đặt ra. Trong đó, Việt Nam là một trong những thị trường được tập đoàn triển khai nhiều sáng kiến trong chuyển đổi số chuỗi cung ứng. “Cụ thể, Nestlé Việt Nam đang đầu tư chuyển đổi số cho toàn bộ hoạt động logistics nhằm giúp kết nối với thị trường toàn cầu trong hoạt động xuất nhập khẩu, và tối ưu hóa vận chuyển/ phân phối hàng hóa trong thị trường nội địa”- bà Lê Thị Hoài Thương cho biết.
Quản lý chuỗi cung ứng xanh gắn liền với quản trị các mắt xích, bao gồm thiết kế, vận hành, thu mua, logistics đầu vào và đầu ra, quản lý chất thải, sản xuất xanh… Khi các mắt xích đó đều “xanh” thì doanh nghiệp mới có thể nâng cao năng lực sản xuất, vận hành; đồng thời, hình thành hệ sinh thái xanh, bền vững xoay quanh doanh nghiệp. Từ đó, tạo lợi thế cạnh tranh và gia tăng khả năng thích ứng, chống chịu, phục hồi của doanh nghiệp trước các cú sốc của thị trường.
Thực tế, trên toàn cầu, chuyển đổi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị theo hướng bền vững hơn là một trong những xu thế mà cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đang rất quan tâm và dành nhiều ưu tiên.
Ông Hà Mạnh – Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 cho biết, nhiều quốc gia đã có những tiêu chí quy định về sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. Để đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu, May 10 đã phải chủ động áp dụng các giải pháp giảm phát thải, sử dụng năng lượng tái tạo, tái sử dụng nhiệt từ hoạt động tái chế rác (sản phẩm vải vun) từ quá trình sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, quản lý năng lượng theo ISO 50001…
Xây dựng chuỗi cung ứng xanh là hành trình dài, đòi hỏi mỗi bên đều phải nỗ lực, người tiêu dùng ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, doanh nghiệp thực hiện sản xuất xanh, Nhà nước phải có chính sách để thúc đẩy ngành logictics xanh, kinh doanh có trách nhiệm.