Chủ nhật 22/12/2024 12:16

Rực rỡ sắc màu du lịch Sơn La

Sơn La được đánh giá là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc biệt là tài nguyên du lịch tự nhiên, có nền văn hóa độc đáo, hấp dẫn du khách.

Sơn La được đánh giá là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, đặc biệt là tài nguyên du lịch tự nhiên. Sơn La còn có nền văn hóa độc đáo, đa dạng của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Dao... hấp dẫn du khách; và tiềm năng nông sản dồi dào với cây trái bốn mùa tốt tươi. Đây là những lợi thế để Sơn La tập trung phát triển du lịch gắn với nông nghiệp.

Tiềm năng lớn

Phát huy lợi thế từ các sườn đồi và thung lũng bằng phẳng, đồng bào Sơn La đã xây dựng nên nhiều trang trại bò sữa, nhà vườn, cánh đồng hoa tam giác mạch, hoa cải, vườn chè… Ngoài ra, nhiều hộ còn xây mới, sửa chữa, tận dụng những ngôi nhà truyền thống để làm nhà nghỉ cộng đồng hoặc mở nhà hàng, làm các món ăn địa phương phục vụ khách tham quan.

Mộc Châu hấp dẫn du khách

hờ đó, du lịch kết hợp với nông nghiệp đã và đang ngày càng phát triển tại địa phương. Cùng với việc thăm quan các điểm đến hấp dẫn, du khách đến với Sơn La sẽ được cùng đồng bào tham gia trải nghiệm các hoạt động lao động, sản xuất nông nghiệp như: Hái quả, trồng rau sạch, quan sát quy trình chế biến các sản phẩm từ sữa bò, hòa mình vào những điệu xòe Thái, những điệu dân ca cổ, ngủ nhà sàn truyền thống, nằm đệm bông gạo, thưởng thức đặc sản núi rừng như: Thịt trâu gác bếp, cá suối nướng, bê chao, xôi ngũ sắc, rau rừng, rượu ngô men lá... Đặc biệt, các hộ làm du lịch cộng đồng được tạo điều kiện tham gia các khóa tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng du lịch. Để tăng thêm thu nhập, đồng bào còn duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống với nhiều sản phẩm hấp dẫn như: Khăn piêu, áo thổ cẩm, túi xách, rèm cửa, khăn tay…

Đến với Sơn La, du khách có thể trải nghiệm hoạt động hái dâu tây và thưởng thức các sản phẩm từ dâu tây VietGAP tại Chimi Farm 1, Chimi Farm 2, Hoa Mộc Châu Farm; thăm vườn mận, vườn mơ mùa hoa và thu hoạch quả tại thung lũng mận Nà Ka, thung lũng mận Mu Náu; chăm sóc bò sữa như một người nông dân chính hiệu tại Trang trại du lịch Bò Sữa Dairy Farm; hái cam; tham quan đồi chè cổ thụ 300 - 500 năm tuổi kết hợp với trải nghiệm quá trình sản xuất chè của bà con dân tộc Mông; trải nghiệm mùa vàng trên những cánh đồng và mùa hoa sơn tra tại các bản vùng cao của xã Ngọc Chiến, huyện Mường La…

Nhiều hộ gia đình tham gia làm du lịch cộng đồng

Ngoài du lịch trải nghiệm và tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc, du khách còn có thể tìm hiểu cuộc sống của người dân và có được khoảng thời gian nghỉ ngơi lý tưởng khi lựa chọn các điểm Homestay và thưởng thức ẩm thực tại Điểm hẹn Hồ Bản Mòm - Mộc Châu.

Đặc biệt, Ngày hội hái quả mận hậu được tổ chức hàng năm đã trở thành sự kiện quen thuộc nhằm quảng bá, giới thiệu thương hiệu mận hậu Mộc Châu đến người dân, du khách trong nước và quốc tế. Ngày hội diễn ra các hoạt động, như: Thi hái quả, giới thiệu, trình bày mâm quả, thưởng thức quả; tham quan các gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm đặc trưng của văn hóa các dân tộc Mộc Châu; tham gia các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian... Ngoài ra, Ngày hội còn diễn ra nhiều phần thi hấp dẫn dành cho những người tham dự, như: Thi thưởng thức quả mận, thi bắn nỏ, tham gia “Vũ điệu đoàn kết”… Đây là cơ hội quảng bá nét du lịch độc đáo, đồng thời tăng tiêu thụ trái mận hậu địa phương.

Nằm ở Tây Bắc, Sơn La là địa điểm tương đối xa và còn nhiều mới lạ với du khách. Nhiều du khách đã lựa chọn Công ty Du lịch Phương Đông – Chi nhánh Mộc Châu để được giới thiệu các sản phẩm đặc trưng và chính hãng của Tây Bắc như dâu tây, cam không hạt… để mua về sử dụng hoặc làm quà cho gia đình. Hiện công ty đang trưng bày các gian hàng tại tiểu khu 32, thị trấn Nông Trường Mộc Châu.

Phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với du lịch

Năm 2022, là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm vụ 2020 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Theo đó, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La đã thực hiện có hiệu quả chủ trương tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với du lịch; đẩy mạnh thâm canh, đưa giống mới có năng suất chất lượng cao vào sản xuất.

Độc đáo cầu kính ở Mộc Châu

Để hỗ trợ cho nông dân phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã quan tâm và tạo điều kiện hỗ trợ: Ưu tiên đầu tư những dự án hạ tầng kỹ thuật xã hội như cầu, đường giao thông, viễn thông đến các vùng, địa phương; chú trọng đẩy mạnh Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm thu hút du khách đến tham quan; ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm với mẫu mã đẹp, chất lượng cao phục vụ khách du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư liên kết với hợp tác xã, các hộ nông dân trong phát triển, mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Bên cạnh đó, để người nông dân làm du lịch chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, các địa phương trong toàn tỉnh đã quan tâm tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn. Nhờ vậy, đã từng bước giúp nông dân nâng cao kỹ năng làm du lịch, từ ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, kiến thức, kỹ năng về kinh doanh du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp; tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu hình ảnh, điểm đến, tạo cầu nối liên kết giữa các đơn vị lữ hành với người dân để kết nối tour, tuyến thu hút khách đến tham quan và trải nghiệm các khâu, các bước trong quy trình tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.

Phát huy những kết quả đã đạt được, để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển du lịch, khai thác hết tiềm năng của địa phương, ngoài công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho người nông dân về những lợi ích thiết thực từ việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, tỉnh Sơn La sẽ chú trọng thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp gắn kết chặt chẽ với quy hoạch du lịch để đảm bảo định hướng phát triển bền vững và hỗ trợ lẫn nhau.

Cùng với đó, tăng cường thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của mỗi địa phương; đa dạng hóa các hoạt động quảng bá sản phẩm nông sản đặc trưng gắn với các lễ hội du lịch, các hoạt động du lịch với những quy mô khác nhau; đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa các bên trong mô hình phát triển du lịch nông nghiệp. Thông qua đó, tạo môi trường thuận lợi để phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với du lịch theo hướng hiệu quả, bền vững, thiết thực, tăng thu nhập và nâng cao đời sống người nông dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Kim Xuyến - Nguyễn Phương
Bài viết cùng chủ đề: Du lịch

Tin cùng chuyên mục

Đồn Biên phòng Lũng Cú tiếp tục trồng cây xanh bảo vệ biên giới

Bài 2 - Tự hào vì quê hương có nhà máy điện hạt nhân

Sở Công Thương Hà Giang: Quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Khai mạc Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2024

Quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Nghệ An năm 2024

Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh thành khu kinh tế năng động, thông minh

Kết nối đầu tư, thương mại và du lịch 2 tỉnh Sơn La và Thanh Hóa

Hậu Giang: Phát triển công nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong năm 2025

Trở lại nơi làm nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận: Bài 1 - Đồng thuận và mong chờ

Đồng Tháp: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,75%, cao hơn bình quân cả nước

Ngành Công Thương Thanh Hóa triển khai hiệu quả khuyến công, góp phần xóa đói giảm nghèo

Vĩnh Phúc: Người dân, doanh nghiệp là trung tâm của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Phê chuẩn kết quả bầu ông Dương Minh Dũng làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Sóc Trăng: Nông dân ‘đổi đời’ nhờ xuất khẩu vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ

Giao lưu văn hóa giữa lực lượng biên phòng Hà Giang (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc)

Bài cuối - Giải pháp đưa Chương trình OCOP phát triển bền vững

Khởi công cụm công nghiệp Bắc Sơn 2, vốn đầu tư hơn 280 tỷ đồng

Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận bắn pháo hoa đón năm mới ở đâu?

Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ chỉ đạo ‘nóng’ về tinh gọn bộ máy

Sở Công Thương Thanh Hóa triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024