Gian hàng bày bán dòng sản phẩm dành cho mùa đông như máy sưởi, quạt sưởi, bình nóng lạnh, lò vi sóng được nhiều khách hàng quan tâm |
Thiết bị sưởi tranh thủ tăng giá
Trong những ngày rét đậm, rét hại gần đây, thị trường các loại thiết bị sưởi chống rét được dịp loạn giá do nhu cầu tăng đột biến. Khảo sát thị trường Hà Nội cho thấy, các loại quạt sưởi điện, túi sưởi mini trên thị trường thậm chí còn bị đẩy giá tăng 2 - 3 lần so với thời điểm đầu đông.
Nhu cầu sử dụng tăng cao, ngay cả những chiếc túi sưởi mini, nếu như trước chỉ có giá khoảng 50.000 - 80.000 đồng thì nay giá tăng lên khoảng 120.000 - 200.000 đồng/chiếc. Dù giá cao nhưng những mặt hàng này cũng luôn trong tình trạng khan hàng.
Theo một số chủ cửa hàng đưa ra lời khuyên, khi dùng các loại đồ sưởi cần phải rất cẩn thận vì dễ gây cháy và không nên bật các loại đồ sưởi này quá lâu trong không gian hẹp vì dễ gây khô da, thiếu oxy, nên dùng cùng với máy tạo độ ẩm hoặc để chậu nước trong phòng khi bật máy sưởi.
Đặc biệt đối với trẻ em cần rất cẩn thận khi dùng các loại đồ sưởi này, kể đối với các tấm dán ấm... vì dễ có thể gây bỏng ngoài da.
Áo giữ nhiệt liên tục “cháy hàng”
Chị Thảo (Hàng Điếu, Hà Nội) cho biết, chỉ trong 3 ngày mưa rét, cửa hàng chị đã bán hơn 200 cái áo giữ nhiệt, chưa kể hàng trăm áo khoác gió lần lượt được khách hàng đặt mua hết. Số người trực tiếp tới cửa hàng không tăng nhưng lượng bán online tăng đột biến, đơn hàng soạn xong mà người giao hàng đi không kịp.
Tương tự như chị Thảo, nhiều chủ cửa hàng quần áo thời trang cho biết, sản phẩm được bán chủ yếu trong những ngày gần đây là quần áo giữ nhiệt, áo phao, áo gió dày dặn, có khả năng chống rét cao. Nhiều nơi, liên tục cập nhật tình trạng hàng còn - hết trên trang bán hàng trực tuyến và mạng xã hội để phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng online. Bên cạnh đó, lượng quần áo rét, đặc biệt là các loại áo dày, ấm có sức tiêu thụ trong vài ngày qua đã gấp tới 2 - 3 lần, thậm chí là hơn nữa so với dịp vào đầu mùa đông.
Trên thị trường, các mặt hàng như áo giữ nhiệt cũng có nguồn gốc xuất xứ và giá cả đa dạng. Với các mặt hàng được giới thiệu là hàng xách tay (chủ yếu là của Nhật) có mức giá từ 1 triệu trở lên, trong khi các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu hoặc hàng Trung Quốc dao động ở mức từ 300.000 -900.000/chiếc.
Chăn giữ nhiệt, găng tay, tất, mũ đắt khách
Chăn lông cừu, một trong những mặt hàng bán chạy trong ngày Hà Nội rét đậm |
Tương tự như quần áo giữ nhiệt, các loại chăn ấm và phụ kiện như găn tay, tất mũ… cũng trở lên hút khách trong dịp này. Đặc biệt, những loại chăn như chăn lông cừu với mức giá trên dưới 1 triệu đồng được khá nhiều hỏi mua nhờ ưu điểm ấm, nhẹ và nhiều mẫu mã đa dạng.
Chủ một cửa hàng tại đường Trần Duy Hưng cho hay, trời rét đậm nên gần như những gì có tác dụng giữ nhiệt đều có lượng khách hỏi mua tăng đột biến.
"Tại cửa hàng của tôi, các mặt hàng như chăn lông cừu, găng tay, tất, mũ len đều hết sạch hàng tồn. Từ giờ tới Tết mà còn lạnh nữa chắc phải tính nhập thêm", anh cho biết thêm.
Các phụ kiện như găng tay, tất, mũ… cũng đắt khách trong những ngày mưa rét. Mũ len 1 lớp, loại mỏng giá 150.000 đồng chiếc, loại 2 lớp có lông lót bên trong giá dao động từ 220.000 - 300.000 đồng/chiếc.
Ngoài mũ len, các loại găng tay được nhiều người hỏi mua đã tạo cơ hội cho tiểu thương kinh doanh mặt hàng này đẩy giá cao hơn so với bình thường từ 20.000 - 30.000 đồng/đôi. Hiện găng tay len 1 lớp giá 75.000 đồng/đôi; loại 2 lớp giá 120.000 - 150.000 đồng/đôi. Với các loại găng tay da, giá cũng tăng từ 80.000 - 120.000 đồng/đôi, hiện được bán với giá 200.000 - 250.000 đồng/đôi.
Những chiếc khăn len quàng cổ hàng bình dân có giá từ 80.000 - 200.000 đồng/chiếc, hàng len cao cấp như lông cừu, len nhập khẩu có giá từ 300.000 - 600.000 đồng/chiếc. Bịt tai giữ ấm được bán với mức từ 30.000 - 100.000/chiếc tùy kiểu.
Hàng ăn “tranh nhau” shipper
Trời lạnh lại kèm theo mưa, nhiều người ngại đi ra ngoài ăn nên chọn giải pháp gọi đồ ăn về nhà, về cơ quan. Các hàng ăn uống cũng trong tình trạng kín đơn hàng mà không thuê được người đi giao.
Anh Dũng, chủ một cửa hàng chuyên phục vụ đồ ăn trên đường Hào Nam cho hay, ngày thường, bất kể khi nào khách hàng có nhu cầu thì chỉ khoảng 30 phút – 1 tiếng đồng hồ (tùy theo khoảng cách di chuyển ) là có người mang đồ tới. Tuy nhiên, mấy ngày nay, đến gần trưa hoặc chiều tối là không thể nhận thêm đơn do không có người giao hàng hoặc có thì giao rất chậm..
Chị Nhung, chủ một cửa hàng đồ ăn vặt cho hay những ngày này dù không tăng giá đồ ăn để giữ khách nhưng khách muốn giao đồ ăn tại nhà thường phải chấp nhận mất phí ship nhiều hơn một chút.