Quyền con người: Một mục tiêu hàng đầu trong cải cách luật pháp và tư pháp
|
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Hà Hùng Cường, cải cách pháp luật và tư pháp đã đạt những thành tựu quan trọng. Đỉnh cao của hệ thống luật pháp là bản Hiến pháp 2013 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực, có thể coi là bản hiến chương về quyền con người hiện đại ở Việt Nam. Hệ thống tư pháp cũng đã được đổi mới theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, nghiêm minh. Cơ chế phân công và kiểm soát hoạt động của các cơ quan tư pháp như điều tra, kiểm sát, xét xử, thi hành án... cũng đã được xác lập. Những kết quả cải cách pháp luật và tư pháp đã đạt được góp phần quan trọng bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đóng góp thiết thực vào những thành tựu phát triển to lớn của đất nước mang ý nghĩa lịch sử trong một thập kỷ lại đây. Nhờ đó, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình với vị thế và uy tín trong khu vực và trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Trong lộ trình tiếp tục đẩy mạnh cải cách pháp luật và tư pháp đảm bảo quyền con người, quyền công dân..., ngày 23/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 2057/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; trong đó, đã xác định rõ các lĩnh vực cần ưu tiên, trách nhiệm của các Bộ, ngành và lộ trình thực hiện phù hợp đối với các khuyến nghị, đảm bảo việc thực hiện hiệu quả, tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có trong nước và tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Bà Pratibha Mehta - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá cao Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch thực hiện các khuyến nghị UPR. Điều này nhằm tăng cường nâng cao nhận thức để tất cả mọi người, bao gồm các quan chức chính phủ, lãnh đạo khu vực tư nhân và xã hội dân sự hiểu các khuyến nghị UPR Việt Nam chấp thuận và quyền của họ theo quy định của Hiến pháp 2013 và các hiệp ước quốc tế về nhân quyền có liên quan.
Theo bà Pratibha Mehta, nhân quyền và tư pháp hình sự có mối liên hệ chặt chẽ với nhau; gần 40% các khuyến nghị UPR Việt Nam chấp thuận thực hiện có liên quan đến một khía cạnh nào đó của tư pháp hình sự. Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) của Việt Nam có các điểm mới quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, đồng thời bỏ án tử hình đối với 7 tội danh gồm: Tội cướp tài sản; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tội tàng trữ trái phép chất ma túy; tội chiếm đoạt chất ma túy; tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội chống mệnh lệnh; tội đầu hàng địch. Những sửa đổi này sẽ có tác động tích cực đến nhiều trong số các khuyến nghị UPR.
Chính phủ cần bổ sung vào kế hoạch thực hiện khuyến nghị UPR một thời gian biểu bao gồm các so chuẩn quốc tế để có thể đánh giá tiến độ một cách khách quan và cam kết nguồn lực cần thiết để thực hiện. Đồng thời cần huy động sự tham gia của các tổ chức dân sự vào tất cả các giai đoạn thực hiện kế hoạch.