Quý I/2021: Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn tăng mạnh
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính, tháng 3/2021, cả nước xuất khẩu được khoảng 385 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 142 triệu USD, tăng 76% về lượng và tăng 77,8% về trị giá so với tháng 2/2021; so với tháng 3/2020 tăng 17,1% về lượng và tăng 23,9% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân tăng 1% so với tháng 2/2021 và tăng 5,8% so với tháng 3/2020, lên mức 369 USD/tấn. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,07 triệu tấn, trị giá 396 triệu USD, tăng 40,3% về lượng và tăng 53,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Quý I/2021: Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn tăng mạnh về lượng và giá trị |
Về thị trường, Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu sắn lát (mã HS 071410) của Trung Quốc đạt 222,65 triệu USD, tăng 151,9% so với cùng kỳ năm 2020. Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào và Tanzania là 5 thị trường cung cấp sắn lát lớn nhất cho Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2021. Trong đó, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp sắn lát cho Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2021 với 41,72 triệu USD, tăng 209,9% so với cùng kỳ năm 2020, thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 18,74% trong tổng trị giá nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 15,23% của 2 tháng năm 2020. Trung Quốc cũng tăng thu mua sắn lát của Thái Lan trong 2 tháng đầu năm 2021 với 173,1 triệu USD, tăng 148,5% so với cùng kỳ năm 2020, thị phần sắn lát của Thái Lan chiếm 77,74% trong tổng trị giá nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, giảm nhẹ so với mức 78,81% của 2 tháng năm 2020.
Về tinh bột sắn trong 2 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu tinh bột sắn (mã HS: 11081400) đạt 534,46 nghìn tấn, trị giá 241,46 triệu USD, tăng 60,6% về lượng và tăng 72,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Lào và Campuchia. Trong đó, Việt Nam là thị trường lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2021, với 158,22 nghìn tấn, trị giá 70,57 triệu USD, tăng 38% về lượng và tăng 53,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc cũng tăng nhập khẩu tinh bột sắn của Thái Lan với 321,06 nghìn tấn, trị giá 147,4 triệu USD, tăng 56,2% về lượng và tăng 65,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2021 chiếm 29,6%, giảm so với mức 34,44% của cùng kỳ năm 2020; trong khi thị phần tinh bột sắn của Thái Lan chiếm 60,06%, giảm so với mức 61,75% của cùng kỳ năm 2020.
Tại thị trường trong nước, từ đầu năm 2021 đến nay, giá sắn ở nhiều địa phương tăng mạnh. Cụ thể, tại Gia Lai, từ đầu năm 2021 đến nay, giá sắn nguyên liệu luôn ở mức cao, riêng Nhà máy sản xuất tinh bột sắn Gia Lai thu mua sắn của dân với giá 3.100 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020. Sắn được coi là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai với diện tích khoảng 13.000ha, tập trung ở vùng Đông, Đông Nam của tỉnh. Giá sắn vụ này tăng cao nhưng nhiều nông dân không được hưởng lợi do sắn bị mất mùa do thiên tai, dịch bệnh. Theo thống kê, niên vụ 2020/21, vùng nguyên liệu sắn tại các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai hầu hết đều bị ảnh hưởng bởi bệnh khảm lá, mưa bão khiến năng suất sắn kém, sản lượng giảm sâu.
Vụ sản xuất năm 2020, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 16.000ha diện tích trồng cây sắn, với sản lượng đạt hơn 311.000 tấn. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, vụ sắn năm 2021, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã xuống giống được hơn 14.200ha sắn, nhưng đã có hơn 2.400ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá tập trung tại các huyện Sơn Hà, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ, TP. Quảng Ngãi và Bình Sơn. Huyện Sơn Hà là địa phương có diện tích sắn bị nhiễm nhiều nhất với khoảng 2.000ha. Diện tích này bùng phát mạnh nhất chủ yếu là giống KM140 và KM94, nhiễm nặng hơn ở giống KM140. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, tỉnh Quảng Ngãi bùng phát bệnh khảm lá sắn.