Hướng đi mới cho ngành công nghiệp đóng tàu Bắc Kinh đang làm gì để "giải cứu" thị trường bất động sản? Phụ nữ đang tác động thế nào đến tương lai nền kinh tế Trung Quốc? |
Trong những năm qua, ngành công nghiệp đóng tàu toàn cầu đang chú ý vào cuộc chạy đua giữa hai "ông lớn" là Hàn Quốc và Trung Quốc, khi một bên có bề dày về kinh nghiệm và kỹ thuật, còn bên còn lại là một thị trường mới nổi và năng động. Nhưng thỏa thuận lịch sử gần đây giữa Trung Quốc và Qatar có thể đẩy vị thế của Trung Quốc lên tầm cao chưa từng có.
Cụ thể, vào ngày 29/4 vừa qua, Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC), nhà đóng tàu lớn nhất thế giới, đã ký hợp đồng mua 18 tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) siêu lớn với tập đoàn QatarEnergy. Được biết, tập đoàn này là công ty nhà nước điều hành mọi hoạt động dầu khí tại Qatar, cũng là nhà cung cấp LNG lớn nhất thế giới.
Lễ ký kết thỏa thuận mua tàu giữa CSSC và QatarEnergy tại Bắc Kinh vào ngày 29/4/2024 Ảnh: Weibo |
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Wen Gang - Chủ tịch CSSC nhận định rằng thỏa thuận này “tượng trưng cho những tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc trong nghiên cứu, phát triển và khả năng chế tạo tàu chở dầu LNG cực lớn”. Về phía QatarEnergy, Giám đốc điều hành Saad Sherida Al-Kaabi đã nhận xét: “Với tổng giá trị gần 6 tỷ USD cho các tàu LNG cực kỳ hiện đại, thỏa thuận mà chúng tôi ký ngày hôm nay là hợp đồng đóng tàu đơn lẻ lớn nhất từ trước đến nay trong ngành.”
Bà Liang Yan, giáo sư kinh tế tại Đại học Willamette (Mỹ), cho rằng thỏa thuận gần đây đang thể hiện khát vọng của CSSC đến việc đóng thêm tàu để xuất khẩu. Trả lời phỏng vấn với South China Morning Post, bà Liang Yan phát biểu: “Mục tiêu của dự án này là cải thiện thời gian và công suất của việc xuất khẩu LNG”, đồng thời hy vọng điểm đến mới của các tàu chở hàng sẽ là Trung Quốc. Được biết, nhờ kích thước lớn hơn, các tàu chở dầu khổng lồ mà Trung Quốc chế tạo cho Qatar sẽ vận chuyển khí đốt đến các thị trường nhập khẩu toàn cầu với thời gian ngắn hơn dự tính.
Theo China Daily, mỗi chiếc tàu do CSSC sản xuất theo kế hoạch sẽ dài 344 mét, rộng 53,6 mét và có độ sâu mớn nước là 12 mét. Tàu sẽ có sức chứa tối đa là 271.000 mét khối LNG, nhiều hơn khoảng 57% so với các tàu chở LNG thông thường. Dự kiến, một trong những chiếc tàu của CSSC có thể vận chuyển 155 triệu mét khối khí đốt tự nhiên cùng một lúc, qua đó đáp ứng nhu cầu tiêu thụ khí đốt của 4,7 triệu hộ gia đình ở thành phố Thượng Hải trong một tháng. Hiện nay, tàu chở LNG lớn nhất thế giới là tàu Q-Max của Qatar với sức chở từ 263 đến 266 nghìn mét khối LNG.
Theo South China Morning Post, thỏa thuận này giữa Qatar và Trung Quốc đang làm ngành công nghiệp đóng tàu Hàn Quốc lo lắng. Các doanh nghiệp Hàn Quốc vốn từ lâu đã nổi tiếng là nhà sản xuất một số tàu biển tiên tiến nhất thế giới, bao gồm cả tàu chở LNG. Trích phỏng vấn của South China Morning Post, bà Alicia Garcia Herrero - nhà kinh tế đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng Natixis của Pháp, đã nhận xét: “Hàn Quốc đang thực sự lo lắng. Có quá nhiều ngành công nghiệp mới đang ngả về phía Trung Quốc”.
Tuy vậy, đầu tháng 4 năm nay, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Deuk-geun cho biết, nước này đã giành lại danh hiệu nhà đóng tàu lớn nhất thế giới trong quý 1/2024, sau khi đứng sau Trung Quốc trong vòng 3 năm. Theo Bộ trưởng Ahn Deuk-geun, lý do cho sự tăng trưởng này đến từ việc các tàu của Hàn Quốc thân thiện với môi trường hơn và có giá trị gia tăng cao hơn.
Thực tế, Hàn Quốc cũng đang là đối tác đóng tàu LNG lớn của Qatar. Theo ước tính của tạp chí Maritime Excutive, các công ty đóng tàu của Hàn Quốc là Hyundai Heavy Industries, Hanwha Ocean và Samsung Heavy Industries của Hàn Quốc dự kiến sẽ thu được 9 tỷ USD từ 40 tàu chở dầu LNG tới Qatar trong năm nay.