Quy hoạch tổng thể quốc gia không phải "phép cộng" của quy hoạch thành phần
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội trong hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia để trình Quốc hội lần này.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
Nhấn mạnh đây là nội dung vô cùng quan trọng, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia là nhiệm vụ mới quan trọng nhưng hết sức phức tạp, chưa có tiền lệ, chưa có nhiều kinh nghiệm.
Do đó, việc xác định các nội dung của quy hoạch phải được tính toán một cách khoa học, hợp lý, bảo đảm đường hướng chiến lược, phải rõ cụ thể nhưng cũng không được mâu thuẫn thay thế cho các nội dung đã được xác định trong các văn bản khác.
"Quy hoạch tổng thể quốc gia phải là tổng hợp có chọn lọc, định hướng lớn để phát triển đất nước không phải là bản tập hợp hay phép cộng đơn giản của các quy hoạch thành phần hoặc nhắc lại một cách cơ học Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà đã được Đại hội Đảng ban hành" - đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh.
Quy hoạch tổng thể quốc gia không nên quy định quá chi tiết các mục tiêu cụ thể mà chỉ quy định các mục tiêu tầm quốc gia, các giới hạn tối đa hoặc tối thiểu các chỉ tiêu để các ngành, địa phương có căn cứ xây dựng quy hoạch cấp thấp một cách chủ động.
Cùng với đó, cần xem xét trong quy hoạch những mục tiêu nào, Nhà nước có thể đầu tư bảo đảm tính khả thi và đáp ứng định hướng chiến lược cho đất nước thì có thể đặt ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể mang tính pháp lý.
Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, những nội dung “quy hoạch cứng” như về giao thông, đất đai, năng lượng và đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh thì có thể chốt ở trong Quy hoạch này.
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai phát biểu thảo luận tại hội trường |
Đối với những nội dung khác, có thể xã hội hóa hoặc có thể mang tính định tính như vấn đề giáo dục, vấn đề y tế nên xác định là “quy hoạch mềm” để tránh đi vào quá chi tiết, xác định những chỉ tiêu quá cụ thể khiến bó khung có thể làm hạn chế việc phát triển.
Ngoài ra, đại biểu Trịnh Xuân An cũng góp ý vào những nội dung cụ thể của Quy hoạch tổng thể quốc gia như bổ sung thêm vùng động lực Thanh Hóa và Nghệ An; phải xác định rõ ràng là nông nghiệp mới là ngành có thể so sánh, có thể cạnh tranh với thế giới. Quy hoạch tổng thể mang tính là quy phạm nên phải sát sao, cụ thể hơn phần liên quan đến phần quốc phòng an ninh….
Theo đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn Vĩnh Phúc, đây là lần đầu tiên lập Quy hoạch tổng thể quốc gia - một nội dung lớn, khó, phạm vi rộng nên còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, cơ quan soạn thảo đã nỗ lực để hoàn thiện hồ sơ cơ bản đáp ứng các yêu cầu đặt ra.
Đại biểu cho rằng, về trình tự trong hoạt động quy hoạch, việc lập, thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch được thực hiện phù hợp với quy định tại Điều 7 Luật Quy hoạch.
Tuy nhiên, bố cục báo cáo chưa hợp lý, khi có đến hơn 50% số trang dành cho phần hiện trạng. Bản đồ trong quy hoạch cũng cần có tỷ lệ theo đúng quy định. Bên cạnh đó, việc phân tích, đánh giá hiện trạng chưa đề cập rõ đến hạ tầng xã hội, quốc phòng, an ninh, chưa nêu bật được điều kiện thuận lợi cũng như động lực để đề xuất định hướng quy hoạch.
Cùng với đó, chưa chỉ ra được những hạn chế trong quy hoạch tổng thể quốc gia khi tích hợp các hợp phần quy hoạch quốc gia vào quy hoạch và đề nghị cần làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch với từng kịch bản trong việc lựa chọn định hướng phát triển và phân bổ không gian lãnh thổ.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị tập trung đầu tư hình thành vùng động lực đối với vùng trung du và miền núi, vùng Tây Nguyên; xây dựng một kịch bản trung bình bên cạnh các kịch bản đã có để có thể so sánh, đánh giá, lựa chọn sao cho phù hợp với tình hình thực tế.