Thứ hai 23/12/2024 11:22

Quy hoạch điện VIII - Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết: Giải bài toán "cân đối" nguồn điện

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) dựa trên cơ sở cân đối điện vùng miền, tránh truyền tải đi xa, nên đến năm 2030, sẽ không xây thêm các đường dây truyền tải liên miền.

Từ bước gỡ các "điểm nghẽn"

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương tiến hành cập nhật, hiệu chỉnh lại trên cơ sở đánh giá lại tình hình tăng trưởng phụ tải. Đồng thời, nhận xét, đánh giá lại việc phát triển nguồn điện, những tồn tại, bất cập để có những giải pháp đưa vào quy hoạch nhằm khắc phục "điểm nghẽn" về nguồn điện, trong đó có năng lượng tái tạo.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - cho biết, các đánh giá về phát triển nguồn điện trong quá trình cập nhật, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch điện VIII cho thấy, phát triển nguồn điện chưa phù hợp với sự phân bố, tăng trưởng phụ tải theo vùng miền. Chẳng hạn, 5 năm qua (2016 - 2020), phụ tải ở khu vực miền Bắc tăng 9%/năm, nhưng nguồn điện chỉ tăng 4,7%/năm. Trong khi đó, miền Trung và miền Nam tăng trưởng phụ tải chỉ 5 - 7%/năm, còn nguồn điện tăng trưởng gấp 3 mức tăng phụ tải (16 - 21%/năm). Mức tăng nguồn tại khu vực miền Trung, miền Nam có sự "góp sức" của năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Điều này dẫn tới chênh lệch công suất đặt và công suất đỉnh tại các vùng miền, như tại miền Trung, tỷ lệ chênh lệch lên tới 230%, miền Nam 87%.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII

Bên cạnh đó, lưới điện vận hành còn nhiều khó khăn, một số khu vực lưới điện 220kV và 110kV xuất hiện tình trạng đầy và quá tải lưới điện. Tốc độ phát triển lưới điện chậm hơn so với tốc độ phát triển nguồn điện, đặc biệt là chưa đồng bộ với các nguồn năng lượng tái tạo, khiến một số nguồn điện năng lượng tái tạo bị cắt giảm công suất phát… "Nhu cầu phụ tải giảm do ảnh hưởng bởi Covid-19 và việc phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo tại miền Trung và Nam, trong khi miền Bắc một số thời điểm thiếu nguồn, dẫn tới phải truyền tải từ Nam và miền Trung ra Bắc. Việc này khiến đường dây 500kV Bắc - Nam trong một số thời điểm bị nghẽn" - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - thông tin.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Anh, ngoài việc đánh giá lại nguồn tải khu vực vùng miền, sau Hội nghị COP26, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã rà soát, điều chỉnh lại chương trình phát triển nguồn điện theo một số hướng chính. Trong đó, tính lại phương án khả thi giảm nhiệt điện than, phát triển mạnh điện khí để đảm bảo an ninh năng lượng và quan trọng là tăng cường khả năng hấp thụ nguồn năng lượng tái tạo nếu muốn phát triển trong giai đoạn sau.

Tuy nhiên, quan điểm trong Quy hoạch điện VIII là cần bố trí để tránh truyền tải điện qua các vùng miền. Năm 2030, không xây dựng đường dây truyền tải mới 500kV để truyền tải liên miền. Giai đoạn 2031 - 2045, hạn chế truyền tải liên miền. Cuối cùng là đảm bảo dự phòng hợp lý, đặc biệt ở miền Bắc. Theo đó, "bài toán" quy hoạch nguồn điện trong dự thảo Quy hoạch điện VIII giai đoạn hiện nay vẫn còn đặt ra rất nhiều thách thức.

Tối ưu hóa quy hoạch vùng miền, giảm chi phí sản xuất điện

Ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - nhấn mạnh, một trong những điểm quan trọng trong Quy hoạch điện VIII là tính toán cân đối nguồn - tải theo vùng miền, hạn chế truyền tải điện đi xa, hạn chế thấp nhất truyền tải điện liên vùng (dự thảo mới nhất so với phương án trình trước đó đã cắt giảm hàng nghìn km đường dây 500kV phải xây mới) đã được Bộ Công Thương tuân thủ nghiêm túc trong rà soát lần này. Bên cạnh đó, bảo đảm dự phòng từng miền ở mức độ hợp lý, đặc biệt là ở miền Bắc, trong bối cảnh hiện nay tốc độ tăng trưởng điện năng tiêu thụ của miền Bắc cao nhất 3 miền.

Cụ thể, Quy hoạch điện VIII phân chia hệ thống điện Việt Nam thành 6 tiểu vùng: Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ, Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Nam bộ; giữa các vùng có liên kết với nhau bằng hệ thống truyền tải điện xương sống. "Chương trình phát triển hệ thống điện của Việt Nam sẽ tính toán tối ưu phát triển nguồn điện trên toàn bộ hệ thống điện và từng tiểu vùng theo tiêu chí cực tiểu hóa chi phí sản xuất điện trong toàn bộ thời kỳ quy hoạch. Một trong những nguyên tắc để xây dựng chương trình phát triển điện lực đó là, phát triển cân đối công suất nguồn trên từng tiểu vùng, đảm bảo độ tin cậy cung cấp điện trên từng hệ thống điện tiểu vùng, giảm tổn thất truyền tải liên vùng, miền" - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định.

Mặc dù, các chuyên gia kỳ vọng hơn nữa vào việc tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió với nhiều tiềm năng sẵn có, song đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng, mục tiêu phát triển, tăng mạnh năng lượng tái tạo là đúng đắn nhưng cần tính toán đưa các ràng buộc vào trong mô hình tính toán quy hoạch nguồn. Liên quan đến nội dung này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, cần tạo điều kiện cho các địa phương phát triển nhưng cũng tính đến tổng thể cả nước để bảo đảm hiệu quả, an ninh năng lượng, hạn chế truyền tải điện đi xa, giảm giá thành chung, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Phân tích cụ thể hơn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, chỉ đạo của Phó Thủ tướng về cân đối vùng miền rất quan trọng. "Đường dây 500kV lẽ ra chỉ đóng vai trò liên kết hệ thống, nhưng bây giờ mang vai trò như đoàn tàu chở hàng, nếu cứ tiếp tục dồn tải lên, sẽ không thể tải được vì bị giới hạn bởi kích cỡ đường dây. Ngoài ra, còn có vấn đề ổn định hệ thống, việc truyền tải điện đi xa là " cực chẳng đã", hạn chế được sẽ tốt hơn" - Thứ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần tính đến bài toán kinh tế trên phạm vi cả nước chứ không chỉ vùng, địa phương. Vì vậy, cách tiếp cận của Bộ Công Thương theo phương pháp tổng thể, vừa xuất phát từ địa phương, vừa cân đối toàn hệ thống, vùng miền, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân, nhà đầu tư. Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn các địa phương chia sẻ cái khó với bộ, với Chính phủ vì Quy hoạch Điện VIII phải "vẽ bức tranh" trên nền cũ, "chỉ có phương án tối ưu chứ không có phương án hoàn hảo".

Ngày 26/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp của Hội đồng thẩm định Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII). Tại cuộc họp, Dự thảo Quy hoạch Điện VIII được thông qua với sự thống nhất cao của Hội đồng thẩm định.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình hoàn thiện quy hoạch, trên nguyên tắc đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, khắc phục những tồn tại, hạn chế của các quy hoạch điện trước đó, phát huy hài hòa tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong tổng thể cân đối chung. Trong quy hoạch, đã tính toán phương án thay thế đối với các dự án điện than, các dự án điện khó triển khai thực hiện... Quy hoạch lần này cũng cơ bản bảo đảm cân đối giữa các vùng, miền; cân đối giữa các nguồn điện để bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định, trên cơ sở phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời duy trì các nguồn điện khác. Quy hoạch cơ bản không phát triển hệ thống truyền tải liên miền đến năm 2030.

Lan Anh
Bài viết cùng chủ đề: Quy hoạch điện VIII

Tin cùng chuyên mục

Bộ Công Thương lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định về giấy phép hoạt động điện lực theo Luật Điện lực

EVNNPT đóng điện Trạm biến áp 220kV Nam Cấm

70 năm ngành điện Việt Nam và sứ mệnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Bộ Công Thương rốt ráo chuẩn bị đưa Luật Điện lực vào thực thi

EVN tiếp tục nâng cao chất lượng kinh doanh, dịch vụ khách hàng năm 2025

Tăng cường cấp điện cho Hà Nội qua dự án truyền tải điện hơn 1.600 tỷ đồng

Công ty Điện lực Cao Bằng: Lan tỏa nghĩa tình ngành điện

Chỉ thị của Bộ Công Thương về bảo đảm cung cấp điện trong các dịp Lễ, Tết và năm 2025

EVNGENCO2 tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư với các dự án, nhà máy điện tại Lào

Tuyên Quang: Hoàn thành các công trình điện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương

Xuất xưởng máy biến áp 500kV lớn nhất do Việt Nam sản xuất

EVNNPT tăng cường khả năng truyền tải điện cho nhiều tỉnh miền Trung - Nam

Hội nghị Người lao động EVNGENCO2 năm 2024: Phát huy quyền dân chủ của người lao động

Gỡ vướng năng lượng tái tạo: Doanh nghiệp đánh giá cao 6 nhóm giải pháp của Bộ trưởng Bộ Công Thương

Nhà máy Thủy điện Quảng Trị tích nước phục vụ sản xuất kinh doanh và cấp nước hạ du năm 2025

Hoà lưới thành công tổ máy 2 thuỷ điện Ialy mở rộng vượt tiến độ 18 ngày

Nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 kỷ niệm 20 năm hoạt động

Long An và EVNNPT tìm giải pháp gỡ vướng hàng loạt dự án truyền tải điện

Đánh thức giấc mơ 'ngủ đông' điện hạt nhân: Bài 5 - Xây dựng nguồn nhân lực tự chủ - cách nào?

Công ty Điện lực Lạng Sơn: Tặng tivi, lắp đèn năng lượng mặt trời trong Tháng tri ân khách hàng