Chiều 12/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến công bố và triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.
Tại Hội nghị, báo cáo triển khai Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện Kết luận số 77-KL/TW ngày 2/5/2024 về "Đề án Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố" và Kết luận số 97-KL/TW tại Hội nghị Trung ương 10, Thủ tướng đã thành lập Ban chỉ đạo (Quyết định 1250/QĐ-TTg ngày 23/10/2024 về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án) và Tổ Công tác bao gồm lãnh đạo các Bộ, ngành: Công Thương, Công an, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp...
Trên cơ sở báo cáo, đề xuất và ý kiến đồng thuận của các Bộ, cơ quan liên quan và 27 địa phương tại hội nghị ngày 19/10/2024 (về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì tại Nha Trang tỉnh Khánh Hòa), Ban chỉ đạo và Tổ công tác đã tổ chức nhiều cuộc họp để trao đổi thảo luận về các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và tổng hợp ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành địa phương về việc xin ý kiến Bộ Chính trị về chủ trương, phương hướng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án điện năng lượng tái tạo.
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại văn bản số 5001/VPCP-CN ngày 6/12/2024 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương thay mặt Tổ công tác đã có Báo cáo số 1070/BC-BCT ngày 7/12/2024 gửi Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo.
Trước đó, tại phiên họp Chính phú thường kỳ tháng 11 ngày 7/12/2024, Chính phủ đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo, với các nội dung: về Các sai phạm, vướng mắc; về Quan điểm, giải pháp, nguyên tắc, thẩm quyền, giải quyết...
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số cơ chế khuyến khích phát triển điện năng lượng tái tạo. Nhờ đó, việc phát triển điện năng lượng tái tạo đã được thúc đẩy, đạt được những kết quả nhất định. Đến hết năm 2023, tổng công suất nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trong hệ thống điện là 21.664 MW, chiếm khoảng 27%; sản lượng điện phát của nguồn điện (gió, mặt trời mặt đất, mặt trời mái nhà) lũy kế năm khoảng 27.317 triệu kWh, chiếm tỷ trọng khoảng 12,75% hệ thống điện.
"Những kết quả này góp phần thực hiện định hướng trong Quy hoạch điện VIII, cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và bảo đảm an ninh năng lượng" - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu 6 nhóm giải pháp tại hội nghị vào chiều 12/12 |
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất 6 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Cụ thể:
Một là, cho phép bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện trong trường hợp dự án không có nội dung vi phạm các quy định liên quan đến an ninh quốc phòng, quy hoạch các công trình, dự án trọng điểm quốc gia.
Hai là, đối với các dự án có sai phạm về quy trình, thủ tục liên quan đến đất đai, xây dựng công trình thì cho phép hoàn thiện theo quy định của pháp luật.
Ba là, đối với các dự án vi phạm các quy hoạch về khoáng sản, thủy lợi, quốc phòng... thì thực hiện đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội giữa việc thực hiện quy hoạch và thực hiện dự án để điều chỉnh quy hoạch bị chồng lấn cho phù họp hoặc tích hợp và thực hiện đồng thời cả dự án điện năng lượng tái tạo và quy hoạch liên quan (lưỡng dụng quy hoạch).
Bốn là, đối với các dự án đang được hưởng giá FIT có vi phạm theo Kết luận của cơ quan có thẩm quyền do không đáp ứng đầy đủ các điều kiện được hưởng giá FIT thì không được hưởng giá FIT ưu đãi mà phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định; thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện.
Bộ Công Thương đã nêu ra 6 nhóm giải pháp gỡ vướng cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa |
Năm là, đối với các dự án điện mặt trời mái nhà xây dựng trên đất nông, lâm nghiệp với công suất lớn dưới mô hình đầu tư trang trại nuôi trồng mà đất chưa phù hợp để làm trang trại thì yêu cầu các chủ đầu tư cần: Thực hiện đầy đủ thủ tục xây dựng, đầu tư trang trại nuôi trồng kết hợp với thực hiện dự án điện năng lượng tái tạo theo quy định của pháp luật; Thực hiện ngay các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo quy định; Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định vi phạm về đất để làm trang trại thì không được hưởng giá FIT ưu đãi mà phải xác định lại giá mua bán điện theo quy định; thu hồi lại các khoản giá FIT ưu đãi đã được hưởng không đúng thông qua bù trừ thanh toán tiền mua điện và thực hiện đầy đủ các hoạt động trang trại nuôi trồng theo đúng đăng ký đầu tư ban đầu.
Sáu là, đối với đối tượng được nêu tại mục (4) và (5) nêu trên, cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định về mua bán điện khi cấp có thẩm quyền xác định dự án bị thu hồi giá FIT ưu đãi để làm căn cứ bù trừ thanh toán tiền mua điện.
Dự án nào xong trước cho vận hành ngay
Đánh giá cao 6 nhóm giải pháp được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra, ông Quản Duy Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phong điện Hải Anh - Quảng Trị cho biết: Tôi rất đồng thuận với các nhóm giải pháp được Bộ trưởng Bộ Công Thương đưa ra. Các nhóm giải pháp đã được phân loại thành các nhóm vấn đề và cách giải quyết vấn rất rõ ràng, cụ thể.
Tuy nhiên, ông Quản Duy Hải đề nghị, để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc đang tồn tại, các nhóm giải pháp trên cần thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra hoặc nhanh hơn càng tốt.
“Dự án nào xử lý xong trước thì cho vận hành luôn, tránh lãng phí. Không cần chờ xử lý xong 154 dự án”- ông Hải nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Văn Tiến - Chủ trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến (Ninh Thuận) cho hay, năng lượng tái tạo giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người, nhất là Việt Nam có nguồn năng lượng nắng, gió vô tận rất thích hợp cho phát triển năng lượng tái tạo. Chính vì tiềm năng và ý nghĩa đó, chúng tôi đã đầu tư và lắp đặt tấm pin năng lượng trên diện tích gần 30ha cho toàn bộ khu vực sản xuất nông nghiệp, du lịch sinh thái với tổng công suất lắp đặt 15MW. Và để đảm bảo đủ điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng khi không có nắng, chúng tôi đã đầu tư hệ thống lưu trữ BESS.
Ông Nguyễn Văn Tiến- Chủ trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến tại Lễ vinh danh Doanh nghiệp Xanh thành phố Hồ Chí Minh năm 2024. Ảnh: TT |
“Là những đơn vị đầu tiên tham gia lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời ngay từ những ngày đầu Nhà nước có chủ trương khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo do vậy, tôi rất đồng thuận với các nhóm giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu ra.”- ông Nguyễn Văn Tiến cho hay.
Ông Nguyễn Văn Tiến cũng đề xuất, cần sớm bổ sung quy hoạch phù hợp nâng cao giá trị sử dụng đất (đa tầng) và tùy vào từng vùng miền. Cho thời hạn để các dự án năng lượng tái tạo hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo quy định dựa trên các văn bản, quy định bổ sung tránh tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng giữa các cấp chính quyền và nhà đầu tư. Đề nghị, xóa bỏ giá FIT với các dự án vi phạm, áp dụng giá thị trường để mua nhằm tránh lãng phí tiền của mà người dân đã đầu tư. Giúp hạn chế tình trạng phá sản của doanh nghiệp, tình trạng nợ xấu của ngân hàng…
Hệ thống năng lượng mặt trời tại Trang trại Nông nghiệp hữu cơ tiên tiến. Ảnh: Thu Hường |
“Việc nâng cao sử dụng năng lượng tái tạo vào trong sản xuất, sinh hoạt… góp phần đưa Việt Nam thành quốc gia đạt Net - Zero vào năm 2050 cũng nâng cao vị thế các doanh nghiệp Việt Nam nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu”- ông Tiến nói.
Đánh giá cao 6 nhóm giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra, ông Bùi Văn Thịnh – Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận chia sẻ: Tại mục 1,2 và 3 tôi thấy đây là tín hiệu rất tích cực nhằm tháo gỡ những vướng mắc đã kéo dài nhiều năm nay của các dự án năng lượng tái tạo trong đó có chồng lấn quy hoạch và các thủ tục về đất đai.
“Nhiều dự án trong đó có đường dây 500kV mạch 3 vừa rồi mặc dù đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng thủ tục về đất đai sẽ không thể xong hết ngay được vì nhiều lý do khác nhau. Nếu chúng ta cứ cứng nhắc thì không dự án nào làm được cả”- ông Thịnh nhấn mạnh.
Ông Bùi Văn Thịnh – Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận |
Theo ông Thịnh, việc chồng lấn quy hoạch, nhất là với quy hoạch khoáng sản thì cần ưu tiên cho phát triển năng lượng. “Khoáng sản chưa khai thác thì vẫn còn đó, còn gió và mặt trời thì sẽ mất đi. Chúng ta hãy để dành khoáng sản cho thế hệ con cháu”- ông Thịnh góp ý.