Quy hoạch điện: Linh hoạt, hiệu quả hơn nhờ Luật Điện lực (sửa đổi)
Trong thực tiễn triển khai, những bất cập trong quy định hiện hành cũng đã bộc lộ và Luật Điện lực (sửa đổi) lần này đã đưa ra các giải pháp cần thiết để kịp thời khắc phục.
Đi tìm những vướng mắc
Theo ông Nguyễn Tuyển Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch và Quy hoạch thuộc Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), Luật Điện lực ban hành năm 2004 và sửa đổi năm 2012 đã xác định rõ ràng trách nhiệm trong việc lập và phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực (QHPTĐL) ở cấp quốc gia và cấp tỉnh. Theo đó, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt QHPTĐL quốc gia, trong khi các Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh sẽ tổ chức lập và trình Bộ Công Thương phê duyệt QHPTĐL tỉnh. Tuy nhiên, từ khi có Luật Quy hoạch năm 2017, nhiều điều chỉnh đã được thực hiện, nhưng các quy định vẫn còn tồn tại một số bất cập.
Trong bối cảnh hiện nay, việc sửa đổi Luật Điện lực đang được đặt ra như một yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả quy hoạch và phát triển hệ thống điện quốc gia. - Ảnh: EVN |
Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2023, Bộ Công Thương đã phê duyệt nhiều quy hoạch, trong đó có Quy hoạch điện VIII được ban hành vào tháng 5/2023, xác định tầm nhìn đến năm 2050. Điều này cho thấy sự quan tâm lớn đến phát triển nguồn điện và lưới điện, nhưng cũng bộc lộ nhiều khó khăn trong việc thực hiện.
Theo ông Tâm, các quy định hiện hành tại Điều 9, Điều 10 và Điều 12 Luật Điện lực vẫn còn một số vấn đề vướng mắc cần được giải quyết trong Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Một trong những vướng mắc chính là sự không đồng bộ giữa QHPTĐL quốc gia và phương án phát triển mạng lưới cấp điện ở các tỉnh. Cụ thể, trong khi nguồn điện đã được phê duyệt ở cấp quốc gia, việc đấu nối ở cấp điện áp 110kV trở xuống lại thuộc trách nhiệm của các tỉnh. Điều này dẫn đến sự thiếu nhất quán giữa nguồn và lưới điện, không đảm bảo tính đồng bộ trong quy hoạch.
Ngoài ra, phạm vi quy hoạch cũng chưa được xác định rõ ràng. Nguồn điện với công suất dưới 50 MW vẫn chưa có quy định cụ thể trong QHPTĐL, dẫn đến việc nhiều dự án nhỏ không được phản ánh đầy đủ trong danh mục quy hoạch. Bên cạnh đó, các quy định về điều chỉnh quy hoạch cũng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Quy trình điều chỉnh hiện tại quá phức tạp và không linh hoạt, gây khó khăn cho các địa phương và nhà đầu tư trong việc điều chỉnh kịp thời theo nhu cầu thực tế.
Giải pháp là gì?
Để giải quyết những vấn đề nêu trên, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã đề xuất một số giải pháp chính.
Thứ nhất, cần xác định rõ phạm vi quy hoạch giữa QHPTĐL và phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh. Cụ thể, Dự thảo đã phân định Phạm vi của quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh (PACĐ) dựa trên cơ sở thực tiễn đã thực hiện giai đoạn 2005-2019 được quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương.
Theo đó, cấp điện áp từ 220 kV trở lên thuộc QHPTĐL, 110kV thuộc PACĐ cấp tỉnh. Công suất lắp đặt nguồn điện: Từ 50 MW trở lên thuộc QHPTĐL, dưới 50 MW thuộc PACĐ. Dự thảo cũng xác định tổng khối lượng lưới điện trung áp trong thời kỳ quy hoạch để làm cơ sở thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh/cấp huyện.
Theo Dự thảo, Quy định phạm vi nguồn điện trong quy hoạch phải đồng thời với phạm vi lưới điện đồng bộ đấu nối trong cùng cấp quy hoạch và quy định một số đối tượng không phải xác định trong phạm vi QHPTĐL, PACĐ nhằm giảm bớt đối tượng cần quản lý quy hoạch.
Bên cạnh đó, tên gọi của phương án phát triển mạng lưới điện cấp tỉnh cần được sửa đổi thành "phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh" để phản ánh rõ hơn nội dung công việc. Dự thảo cũng đề xuất quy định cụ thể các trường hợp không thuộc phạm vi QHPTĐL, như điện tự sản xuất cho nhu cầu sử dụng riêng hoặc các dự án nâng cấp công trình điện lực mà không thay đổi quy mô công suất.
Thứ hai, theo ông Tâm cần phải cải thiện danh mục dự án trong quy hoạch. Dự thảo đã đưa ra yêu cầu rằng QHPTĐL phải bao gồm đầy đủ danh mục các dự án điện, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai và thực hiện quy hoạch. Điều này sẽ giúp đánh giá sự phù hợp giữa các dự án và quy hoạch tổng thể, đồng thời tạo điều kiện cho việc tổ chức các thủ tục đầu tư.
Thứ ba, quy trình điều chỉnh quy hoạch cần được linh hoạt hơn. Theo ông Tâm, việc điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực là một nhiệm vụ quan trọng, yêu cầu tính toán kỹ lưỡng về công suất, dự án nguồn và lưới điện để đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội và an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có nhiều yếu tố chủ quan và khách quan tác động đến nhu cầu điện và các dự án đầu tư. Điều này đòi hỏi cơ chế điều chỉnh quy hoạch phải linh hoạt và kịp thời.
Các quy định hiện hành tại Điều 53 và Điều 54 của Luật Quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của ngành điện lực. Trong quá trình tổ chức thực hiện, thường xuất hiện những biến động như: Sự gia tăng số lượng khách hàng sử dụng điện lớn, nhu cầu điều chỉnh công suất và thông số kỹ thuật của các dự án điện, cùng với việc các nguồn điện lớn gặp khó khăn trong việc thu xếp tài chính dẫn đến chậm tiến độ. Những yếu tố này cần có cơ chế điều chỉnh phù hợp để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp nhận nhiều đề nghị từ các địa phương và chủ đầu tư về việc bổ sung trạm biến áp, đường dây điện và điều chỉnh phương án đấu nối. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 53, những yêu cầu này không nằm trong phạm vi điều chỉnh và quy trình tại Điều 54 được áp dụng giống như lập mới, không phù hợp với những điều chỉnh nhỏ cần sự linh hoạt, từ đó không giải quyết được nhu cầu của địa phương. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Nếu không có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc hiện tại, việc phát triển điện lực để đạt được mục tiêu quy hoạch và đảm bảo nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội, cũng như an ninh cung cấp điện, sẽ gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã đề xuất một số chính sách quan trọng.
Đối với Luật Điện lực, dự thảo quy định việc phối hợp giữa Bộ Công Thương, UBND cấp tỉnh và các đơn vị điện lực trong việc lập và rà soát phương án phát triển nguồn và lưới điện cấp tỉnh, xác định rõ các trường hợp điều chỉnh phù hợp với đặc thù của ngành điện, bên cạnh các quy định chung của Luật Quy hoạch, đồng thời phân cấp thẩm quyền điều chỉnh. Ngoài ra, dự thảo còn áp dụng quy trình điều chỉnh rút gọn cho những điều chỉnh cục bộ hoặc đột xuất theo Luật Quy hoạch.
Đối với Luật Quy hoạch, dự thảo đề xuất quy trình điều chỉnh quy hoạch rút gọn nhằm giải quyết nhanh chóng và kịp thời những điều chỉnh đột xuất, cục bộ, cũng như quy định phân cấp thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch.
Nội dung chi tiết của các đề xuất này được quy định tại Điều 11 và Điều 12 của dự thảo Luật Điện lực, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh quy hoạch, đáp ứng nhanh chóng yêu cầu thực tiễn và đảm bảo phát triển bền vững cho ngành điện lực trong tương lai.
Thứ tư, việc thực hiện quy hoạch cũng cần được quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc lập các quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành. Theo ông Tâm, về việc thực hiện quy hoạch và kế hoạch, sau khi Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương đã ban hành Văn bản số 1649/BCT-ĐL ngày 18/3/2024, yêu cầu UBND các tỉnh có trách nhiệm tổ chức lập hoặc chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện các quy hoạch cấp dưới nhằm cụ thể hóa quy hoạch cấp trên. Mục tiêu là bảo đảm hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện lực, bao gồm nguồn điện, trạm biến áp, và đường dây điện, cũng như tổ chức không gian triển khai các công trình điện và quỹ đất phục vụ đầu tư xây dựng các dự án điện theo quy hoạch.
Mặc dù Luật Quy hoạch đã quy định rằng quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, và quy hoạch tỉnh, nhưng lĩnh vực điện lực cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc lập các quy hoạch này để cụ thể hóa Quy hoạch phát triển điện lực (QHPTĐL), cùng với phương án phát triển nguồn và lưới điện cấp tỉnh.
Theo Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13), Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển, và kế hoạch sản xuất, kinh doanh 5 năm của các doanh nghiệp do Thủ tướng quyết định thành lập. Tuy nhiên, việc rà soát các quy định pháp luật về quy hoạch, đầu tư công, và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho thấy thiếu cơ sở để lập danh mục các dự án điện giao cho các Tập đoàn kinh tế nhà nước trong kế hoạch đầu tư và kế hoạch sản xuất, kinh doanh 5 năm.
Do đó, các giải pháp về chính sách cần được quy định trong Dự thảo Luật Điện lực bao gồm: Quy định xác định các dự án do nhà nước thực hiện thông qua doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước; quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức thực hiện các quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành, bao gồm quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh/cấp huyện, quy hoạch xây dựng, nhằm cụ thể hóa QHPTĐL và phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh. Nội dung chi tiết được quy định tại Điều 13, Điều 14, Điều 15 và Điều 127 của Dự thảo Luật Điện lực.
Việc sửa đổi Luật Điện lực không chỉ nhằm khắc phục những bất cập hiện hành mà còn cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ngành điện lực trong tương lai. Các giải pháp đề xuất từ Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) hướng đến việc tạo ra một khung pháp lý đồng bộ và linh hoạt hơn, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tế của thị trường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương, các địa phương và các đơn vị điện lực là yếu tố quyết định để thực hiện thành công các mục tiêu quy hoạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.