Quy định cấm tiêu huỷ hàng dệt may tồn kho của EU khi nào có hiệu lực?
Thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Quy định về thiết kế sinh thái cho các sản phẩm bền vững thay thế Chỉ thị thiết kế sinh thái hiện hành 2009/125/EC và thiết lập khuôn khổ để đặt ra các yêu cầu về thiết kế sinh thái cho các nhóm sản phẩm cụ thể đã có hiệu lực.
Quy định về thiết kế sinh thái cho các sản phẩm bền vững áp dụng cho “tất cả hàng hóa” được đưa vào thị trường EU hoặc sử dụng tại EU, bất kể nguồn gốc của nó, bao gồm cả hàng hóa được đưa vào từ ngoài thị trường EU. Quy định này mở rộng phạm vi hơn so với Chỉ thị thiết kế sinh thái trước đây, vốn chỉ giới hạn trong các sản phẩm liên quan đến năng lượng. Nói một cách đơn giản, bất kỳ sản phẩm nào không được điều chỉnh bởi luật cụ thể riêng của nó đều nằm trong phạm vi điều chỉnh của Quy định. Tuy nhiên vẫn có một số ngoại lệ đối với thực phẩm, sản phẩm y tế và thực vật sống.
Mốc thời gian cho các ngày công bố luật phụ theo quy định ESPR. Ảnh: Vinatex |
Uỷ ban EU sẽ tập trung vào việc thiết lập các quy định cho các sản phẩm sau: Sắt, thép, nhôm, dệt may (đặc biệt là quần áo và giày dép), đồ nội thất, lốp xe, chất tẩy rửa, sơn, chất bôi trơn và hóa chất. Đối với hàng dệt may, Ủy ban EU đã bắt đầu công việc chuẩn bị các yêu cầu cụ thể và sẽ đưa ra danh sách các sản phẩm ưu tiên mỗi ba năm trong một kế hoạch làm việc riêng.
Quy định về thiết kế sinh thái cho các sản phẩm bền vững đưa ra lệnh cấm tiêu hủy các sản phẩm quần áo, phụ kiện và giày dép chưa bán được. Lệnh cấm này sẽ có hiệu lực hai năm sau khi Quy định chính thức áp dụng (tức là vào giữa năm 2026).
Các doanh nghiệp kinh doanh hàng dệt may sẽ phải báo cáo về hàng hóa chưa bán được trên trang web của họ và được khuyến khích báo cáo trong các báo cáo bền vững của họ hàng năm. Đầu tiên, Quy định đưa ra nghĩa vụ công khai thông tin và cung cấp tính minh bạch trên trang website của doanh nghiệp. Theo đó, mỗi năm tài chính, các doanh nghiệp phải công khai các thông tin sau: số lượng và trọng lượng sản phẩm bị tiêu hủy mỗi năm, lý do tiêu hủy, phương pháp xử lý chất thải áp dụng, và các biện pháp đã thực hiện để tránh việc tiêu hủy.
Nghĩa vụ công bố thông tin về việc phá hủy được áp dụng cho các doanh nghiệp lớn trong năm tài chính đầy đủ đầu tiên sau khi có hiệu lực, tức là năm 2026/2027. Đối với các doanh nghiệp vừa, nghĩa vụ công bố là năm 2030/2031 (6 năm sau khi có hiệu lực). Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (SME) được miễn một số nghĩa vụ nhất định để tránh gánh nặng không cần thiết cho các doanh nghiệp nhỏ này.
Một khía cạnh quan trọng của Quy định là việc giới thiệu Hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số đóng vai trò là hồ sơ kỹ thuật số toàn diện cho thông tin quan trọng liên quan đến sản phẩm và phải được cung cấp trên trang website và trên sản phẩm may mặc. Ủy ban EU sẽ thiết lập một cổng thông tin website chuyên dụng, nơi tất cả các hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số sẽ được đăng ký. Dữ liệu lưu trữ hiện diện trên các sản phẩm liên kết với Hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số vẫn đang được Ủy ban EU quyết định và dự kiến sẽ được biết đến đối với hàng dệt may vào cuối năm 2025.
Các sản phẩm không có Hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số sẽ không được phép lưu hành trên thị trường EU. Hàng nhập khẩu vào EU sẽ phải cung cấp Hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số để cơ quan hải quan xác minh trong quá trình làm thủ tục hải quan để được phép lưu thông tự do vào EU. Ủy ban EU sẽ công bố các tiêu chuẩn Hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số kỹ thuật để hướng dẫn các công ty và nhà cung cấp hộ chiếu trước ngày 31/12/2025.
Cũng theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, các quy định chi tiết hóa yêu cầu về thiết kế sinh thái có thể sẽ không có hiệu lực cho đến một năm sau, vì vậy được dự kiến sẽ áp dụng vào nửa cuối năm 2025. Ngoài ra, EU dự kiến sẽ công bố một kế hoạch làm việc ba năm, ưu tiên các yêu cầu thiết kế sinh thái cho từng loại sản phẩm vào tháng 3/2025, cung cấp hướng dẫn chi tiết hơn về thời điểm các sản phẩm sẽ được giám sát chặt chẽ hơn.