CôngThương - Ông Nguyễn Văn Thảo- Phó Vụ Trưởng Vụ phát triển nguồn nhân lực – Bộ Công Thương - cho biết: hiện nay, hệ thống các cơ sở giáo dục và đào tạo của ngành Công Thương có 49 trường gồm: đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, cơ sở đào tạo bồi dưỡng. Mạng lưới hệ thống các trường được phân bổ trên cả nước và tập trung nhiều tại các vùng công nghiệp phát triển như Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… Năng lực đào tạo ước đạt khoảng 139.000 học sinh, sinh viên với các ngành nghề đào tạo từ nhóm ngành kinh tế du lịch, thương mại đến nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ… Sự đa dạng này đã góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng và hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, để nâng cao công tác quản lý các cơ sở đào tạo, giám sát chất lượng nguồn nhân lực, thời gian tới, Bộ Công Thương phải xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối các cơ sở đào tạo, đây là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, cơ sở dữ liệu sẽ bao gồm: dữ liệu điện tử của sinh viên và cán bộ; kho dữ liệu được tổng hợp từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau phục vụ hỗ trợ ra quyết định và dữ liệu tài nguyên dùng chung.
Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý phát triển bền vững là giải pháp quan trọng để công tác quản lý, đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành Công Thương ngày một bền vững, có chiều sâu và thực chất hơn, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. |
Việc xây dựng một cơ sở dữ liệu trong công tác quản lý, đào tạo phát triển nguồn nhân lực không những tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa các trường trong việc giải quyết những khó khăn vướng mắc của thị trường lao động, công tác tuyển sinh mà còn giúp sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên chung (dữ liệu tuyển sinh, chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học…) cũng như tạo mối liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài ngành.
Cũng theo ông Thảo, hiện hệ thống thông tin về công tác tuyển sinh ngành nghề đào tạo của các trường vẫn chưa đồng bộ, chưa có cổng thông tin chính thức. Mối liên kết của các trường chưa chặt chẽ… Những khó khăn trên có thể được giải quyết nếu các trường thuộc Bộ Công Thương có hệ thống dữ liệu chung về nhu cầu tuyển sinh, nhân lực, ngành nghề, năng lực đào tạo. Việc sử dụng chung cơ sở dữ liệu cũng giúp các trường dễ dàng tham khảo chương trình đào tạo của nhau cũng như những công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, tạo cho người học có cơ hội học liên thông, chuyển đổi nghề nghiệp một cách thuận lợi. Việc sử dụng chung nguồn tài liệu thư viện phục vụ học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học giúp tăng cường kho dữ liệu, giảm chi phí đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc giao lưu học thuật giữa các trường, nhất là vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp. Bởi lẽ, các doanh nghiệp do Bộ Công Thương quản lý khá nhiều, có nhiều doanh nghiệp lớn, nhu cầu việc làm cao. Đồng thời, giúp cho công tác thống kê, phân tích, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực phục vụ trong và ngoài ngành Công Thương và các kỹ năng cần thiết để có việc làm, giúp các trường giảm chi phí và tạo cơ hội cho người học, giảm tối đa công tác đào tạo lại của doanh nghiệp cho lao động mới ra trường.