Thiết lập hành lang pháp lý, tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ thiết lập các hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Ngành Công Thương nỗ lực hiện thực hoá chủ trương của Đảng về khoa học công nghệ Ngành phân bón tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất Phát triển khoa học - công nghệ: Đột phá quan trọng để Việt Nam giàu mạnh

Kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng mới

Ngày 25/12/2024, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì Phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập về Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST).

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt - Trưởng ban soạn thảo dự án Luật cho biết, hiện nay KHCN&ĐMST và chuyển đổi số đang phát triển rất mạnh mẽ, có vai trò ngày càng quan trọng và được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng mới, đưa đất nước trở thành nước phát triển vào năm 2045 như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết nhấn mạnh: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo đó, nội dung của Dự thảo Luật KHCN&ĐMST cần bám sát, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với các quy định mạnh mẽ phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và tiến gần tới thông lệ quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị, việc xây dựng Luật KHCN&ĐMST cần dựa trên các quan điểm gồm: Thứ nhất, mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST, đóng góp ngày càng hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ hai, tinh gọn bộ máy để tập trung đầu tư nâng cao năng lực của các tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập; thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; thu hút đầu tư ngoài ngân sách cho KHCN&ĐMST; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo, nhất là trong hoạt động quản lý nhà nước; nâng cao tính minh bạch, đạo đức và liêm chính trong hoạt động khoa học và công nghệ.

Thứ ba, tiếp tục kế thừa các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 còn phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với thực tiễn phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập về Luật KH,CN&ĐMST
Phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập về Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Báo cáo tại phiên họp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho biết, dự thảo Luật KHCN&ĐMST gồm 14 chương và 83 điều; trong đó gồm: Những nội dung chính, quan trọng được kế thừa từ Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013; nội dung được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ đối với tổ chức khoa học và công nghệ; nhân lực KHCN&ĐMST; quản lý chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ; đầu tư và tài chính phục vụ phát triển KHCN&ĐMST.

Bên cạnh đó, hoàn thiện quy định về hạ tầng và thông tin KHCN&ĐMST; hoàn thiện quy định về thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển; bổ sung quy định thúc đẩy hoạt động KHCN&ĐMST trong doanh nghiệp; bổ sung quy định về hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, chính sách đối với trung tâm đổi mới sáng tạo xuất sắc, luật hóa quy định về quản lý nhà nước đối với chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia, chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh; bổ sung quy định về phổ biến, lan tỏa tri thức; hoàn thiện quy định về hợp tác, hội nhập quốc tế về KHCN&ĐMST; hoàn thiện quy định về trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước về KHCN&ĐMST…

Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp nhấn mạnh, theo Nghị quyết số 55/2024/UBTVQH15 ngày 28/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật KHCN&ĐMST sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ và các ý kiến góp ý trực tiếp, bảo đảm thời hạn của các cơ quan để Luật được trình đúng tiến độ đề ra.

Khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh một số điểm mới nổi bật trong Luật KHCN&ĐMST như: Bổ sung quy định về tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập đặc biệt hoạt động trong các lĩnh vực Nhà nước ưu tiên đầu tư, bổ sung quy định về cơ chế tự chủ đối với tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập.

Bổ sung quy định cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập được tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức khoa học và công nghệ mà mình là thành viên tạo ra.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy

Đơn giản hóa các bước phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, giảm thời gian phê duyệt nhiệm vụ (đề xuất, xác định, tuyển chọn…) theo hướng giảm tải thời gian xét duyệt, yêu cầu, hồ sơ; Quy định rõ hai nội dung chương trình khoa học và công nghệ và nhiệm vụ khoa học và công nghệ, làm rõ các loại nhiệm vụ khoa học và công nghệ và kết quả của từng loại nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Bên cạnh đó, bổ sung quy định về cụm nhiệm vụ khoa học và công nghệ, chuỗi nhiệm vụ khoa học và công nghệ, cách thức xét chọn nhiệm vụ; bổ sung về nguyên tắc chính sách thuế đối với hoạt động KHCN&ĐMST để làm căn cứ đề xuất các ưu đãi cụ thể trong các luật về thuế; bổ sung quy định về các cụm, khu nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo tập trung và các chính sách ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân hoạt động trong khu vực này; làm rõ các hoạt động nghiên cứu, phát triển trong doanh nghiệp và các nội dung chi cho hoạt động nghiên cứu, phát triển của doanh nghiệp...

Theo đó, dự án Luật sẽ thiết lập các hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, đồng thời khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, cộng đồng và trong các cơ quan quản lý nhà nước. Những quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, ưu đãi nhằm thúc đẩy hoạt động KHCN&ĐMST.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Minh đề xuất bổ sung một điều khoản khẳng định vai trò và vị thế mới của KHCN&ĐMST, coi đây là một quan điểm, nguyên tắc quan trọng trong Luật. Đồng thời, cần nêu rõ tên của các trung tâm, các viện nghiên cứu xuất sắc được thành lập để tập hợp các chuyên gia, các nhà khoa học từ các tổ chức nghiên cứu và phát triển, các cơ sở giáo dục đại học khác đến làm việc kiêm nhiệm nhằm tập trung nghiên cứu và phát triển trong một chủ đề được ưu tiên phát triển gồm 2 Đại học Quốc gia và 2 Viện Hàn lâm.

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn cho rằng, đối với các tổ chức nghiên cứu và phát triển công lập đặc biệt cần có cơ chế chính sách riêng để tạo thuận lợi phát triển nghiên cứu mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu, cần làm rõ thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức soạn thảo, đồng thời đề xuất các tổ chức chủ động xây dựng và xét chọn nhiệm vụ KH&CN trong khuôn khổ kinh phí được cấp cũng như các nguồn kinh phí tự chủ khác.

Về phía doanh nghiệp, đại diện Viettel khẳng định, dự thảo Luật sẽ tạo ra cơ chế thông thoáng, giúp đơn giản hóa các quy trình xét duyệt và thực hiện các đề tài khoa học và công nghệ, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức các buổi làm việc với từng bộ, ngành, lĩnh vực liên quan để làm rõ hơn các nội dung trong dự án Luật; đồng thời, khẳng định sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn.
Quỳnh Nga
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bài viết cùng chủ đề: Bộ Khoa học và Công nghệ