Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đợt 2 được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2024, vào ngày 30/11/2024, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên; biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; Biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Việc sửa đổi Luật Điện lực là rất cần thiết và cấp bách (Ảnh minh hoạ) |
Sau đó, Quốc hội họp riêng, biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
Trong phiên họp chiều 30/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; biểu quyết thông qua Luật Dữ liệu.
Đáng chú ý, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Điện lực (sửa đổi); biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Từ 15 giờ 30, Quốc hội họp phiên bế mạc. Theo đó, biểu quyết thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (trong đó có các nội dung về: chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 để Tổng công ty Hàng không Việt Nam sớm phục hồi và phát triển bền vững; về giảm thuế giá trị gia tăng).
Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc Kỳ họp.
Theo Bộ Công Thương, việc sửa đổi Luật Điện lực là rất cần thiết và cấp bách nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng, tạo cơ sở cho những hành động đột phá, quyết liệt trong điều hành.
Đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành và những tồn tại, hạn chế như thiếu quy định rõ ràng, cụ thể để đầu tư các dự án điện khẩn cấp; thiếu quy định đầy đủ về cơ chế thúc đẩy đầu tư, xây dựng, khai thác các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; chưa có quy định về cơ chế đặc thù để phát triển điện gió ngoài khơi phù hợp với điều kiện của Việt Nam từng thời kỳ để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài; chưa có chính sách đối với điện mặt trời mái nhà, điện gió quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, trụ sở cơ quan nhà nước, công trình công cộng bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển và điều kiện hệ thống điện từng thời kỳ...
Cùng với đó, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới trong nước, quốc tế và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng nhu cầu về điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh.