Chiều 14/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung làm việc cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) |
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến đại biểu Quốc hội.
Đến nay, dự thảo Luật đã được rà soát, lược bỏ cơ bản các quy định cụ thể, chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các quy định về thủ tục hành chính, chỉ giữ lại các quy định thuộc thẩm quyền của Quốc hội và luật hoá một số nội dung cần thiết; đã được rút ngắn từ 130 điều xuống còn 88 điều (chỉ bổ sung 18 điều so với Luật Điện lực hiện hành).
Về một số vấn đề lớn như: Thị trường điện cạnh tranh; chính sách giá điện và giá các dịch vụ về điện; cơ chế cam kết sản lượng điện tối thiểu dài hạn và thời gian áp dụng, nguyên tắc tính giá điện, bảo đảm thực hiện dự án đầu tư; vấn đề phát triển công nghiệp chế tạo, nội địa hoá các hạng mục thiết bị và dịch vụ tư vấn quan trọng trong lĩnh vực điện lực; cơ chế xử lý các dự án chậm tiến độ; giá điện trong hợp đồng mua bán điện các dự án điện lực không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công; phát triển điện vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; phát triển điện năng lượng tái tạo; quy định chuyển tiếp... Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu, giải trình, phương án tiếp thu thể hiện rõ trong báo cáo và dự thảo Luật.
"Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan đã nỗ lực tối đa, phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm để tiếp tục nâng cao chất lượng của dự thảo Luật. Về cơ bản đã xử lý được các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong phát triển điện lực" - ông Lê Quang Huy nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá nỗ lực của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Đồng thời, đề nghị cần tiếp tục rà soát, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để đảm bảo chất lượng dự án luật.
Đặc biệt, lưu ý rà soát để đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và các luật đã có, các luật sẽ sửa đổi có liên quan, đảm bảo việc thực hiện chủ trương, đổi mới của Đảng và Nhà nước, Quốc hội trong công tác xây dựng luật.