Quảng Trị: 6 tháng đầu năm công nghiệp, thương mại vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định
Đối với lĩnh vực công nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù hoạt động sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn duy trì ổn định; Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 2,86% so với năm 2023 (thấp hơn so với mức tăng 10,16% cùng kỳ).
Nhìn chung, tốc độ phát triển công nghiệp trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 4,13% (Trong đó quý II/2024 ước tăng 5,06%). Theo đó, ngành Công Thương Quảng Trị đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, dễ tổn thương trong điều kiện cạnh tranh khi nhu cầu của thị trường trong nước và thế giới suy giảm; nhiều dự án trọng điểm của tỉnh chậm được triển khai làm chậm đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do vậy, các sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn có mức tăng trưởng chậm và không đạt chỉ tiêu kế hoạch như đề ra.
Về lĩnh vực thương mại, dịch vụ và giá cả tiêu dùng, theo Phòng Quản lý thương mại- Sở Công Thương Quảng Trị, trong 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động thương mại và dịch vụ có chuyển biến theo chiều hướng tích cực; đặc biệt bước sang quý II năm 2024, hoạt động thương mại dịch vụ diễn ra sôi động và tiếp tục tăng trưởng ổn định; nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức; các chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng được các doanh nghiệp thương mại tích cực triển khai.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có dấu hiệu khởi sắc hơn so với những tháng đầu năm; hàng hoá trên thị trường phong phú và đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển; không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, tăng giá cục bộ gây bất ổn thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 17.292,82 tỷ đồng, tăng 12,29% so với.
Ngoài ra, hoạt động xuất nhập khẩu tăng mạnh; kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh 6 tháng ước đạt 381 triệu USD, tăng 27%, trong đó xuất khẩu đạt 133 triệu USD, tăng 39%, nhập khẩu đạt 248 triệu USD, tăng 22%. Hoạt động du lịch tiếp tục được phục hồi và có nhiều nét khởi sắc.
Năng lượng tái tạo vẫn chiếm ưu thế tại Quảng Trị |
Trong bối cảnh áp lực lạm phát từ các nền kinh tế lớn, song nhìn chung 6 tháng đầu năm 2024, giá cả hàng hóa tương đối ổn định, lạm phát cơ bản được kiểm soát phù hợp, thấp hơn mục tiêu đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 4% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,95%).
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tăng so với cùng kỳ năm trước, các lực lượng đã đấu tranh triệt phá nhiều vụ án có quy mô; Trọng điểm triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm góp phần kiềm chế hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả góp phần bình ổn thị trường.
Theo đại diện Sở Công Thương Quảng Trị, trong 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tác động của kinh tế thế giới và khu vực nhưng tình hình phát triển công nghiệp, thương mại vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định so với cùng kỳ.
Hoạt động thương mại dịch vụ dần cải thiện, đặc biệt trong quý II/2024, các hoạt động thương mại và kinh doanh dịch vụ khôi phục và đạt mức tăng trưởng khá cao (đạt trên 50% so kế hoạch đề ra); đặc biệt dịch vụ du lịch, doanh thu bán lẻ hàng hóa; lưu trú, ăn uống và vui chơi giải trí diễn ra khá nhộn nhịp do bước vào mùa du lịch, tỉnh tổ chức Lễ hội, các sự kiện đã thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm và nghỉ dưỡng.
Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cấp hàng hóa được triển khai tích cực, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển, hàng hóa trên địa bàn tỉnh lưu thông thông suốt, không có hiện tượng khan hàng, gây sốt giá.
Theo ông Nguyễn Trường Khoa- Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị: “Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tích cực theo dõi tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực tạo ra giá trị cao trong sản xuất công nghiệp; đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực ngành công thương, qua đó đã nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời đề xuất Bộ Công Thương và UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh”.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp các Sở, ban, ngành của tỉnh bám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động được quan tâm, tăng cường thực hiện có hiệu quả. Các nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh giao đều được thực hiện tốt; chủ động triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Các hoạt động thương mại điện tử được đẩy mạnh, công tác phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp được quan tâm.