Bình Định: Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu Bình Định: Phát triển công nghiệp hỗ trợ theo chiều sâu |
Theo Sở Công Thương Bình Định, trong năm 2024, đơn vị đã hoàn thành các các nội dung trong chương trình công tác trọng tâm được UBND tỉnh giao đảm bảo theo đúng tiến độ. Theo đó, 16/16 nhiệm vụ trọng tâm theo tháng, 5/5 nhiệm vụ trọng tâm theo quý và 1/1 nhiệm vụ trọng tâm theo năm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp trong năm 2024 dự kiến tăng 10%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 ước đạt 114.700 tỷ đồng, 11,2% so với cùng kỳ năm trước (103.140 tỷ đồng).
Đối với, công tác quản lý công nghiệp, cơ bản hoàn thành các chương trình, nhiệm vụ được UBND tỉnh Bình Định giao theo đúng tiến độ và chất lượng trên các lĩnh vực như: Quản lý công nghiệp và khuyến công; quản lý thương mại và xúc tiến thương mại; quản lý năng lượng; quản lý kỹ thuật, an toàn môi trường công nghiệp; thanh tra và phòng, chống tham nhũng; cải cách hành chính... và hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp thương mại.
Khu Công nghiệp Nhơn Hoà- Bình Định (Ảnh: Sở Xây dựng Bình Định) |
Đồng thời, thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực tạo ra giá trị cao trong sản xuất công nghiệp; đã chủ động làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực ngành Công Thương. Qua đó, đã nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời đề xuất Bộ Công Thương và UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.
Sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt kết quả tăng trưởng khá, các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: Chế biến gỗ, dệt may, thức ăn chăn nuôi, phân bón, dược phẩm, vật liệu xây dựng, thủy sản, sản xuất và phân phối điện... giữ vững tốc độ tăng trưởng. Một số dự án đầu tư mới có quy mô và công suất lớn như vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm, chế biến gỗ… đưa vào hoạt động sản xuất góp phần tăng năng lực sản xuất và duy trì tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.
Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng duy trì đà tăng khá so với năm 2023. Hoạt động kinh doanh thương mại, lưu thông hàng hóa được tổ chức thông suốt; nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng được đảm bảo. Đặc biệt, hệ thống phân phối cung ứng dịch vụ thương mại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa ngày càng được quan tâm đầu tư nên đã có nhiều cải thiện, thị trường ngày càng được mở rộng. Hoạt động xúc tiến thương mại ngày càng được tổ chức bài bản và quy mô hơn đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, nhất là đối với các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của tỉnh.
Ngoài ra, hoạt động thương mại điện tử được đẩy mạnh, công tác phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp được quan tâm.
Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều khởi sắc, khi đơn hàng của doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Sản phẩm may mặc, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, sản phẩm nhựa giả mây,… đều đã có trở lại. Các doanh nghiệp tăng cường sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Những hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các thị trường tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của tỉnh trong hoạt động xuất nhập khẩu, hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương Bình Định, một số sản phẩm có giá trị lớn sụt giảm như: Cấu kiện nhà lắp sẵn, ống kim loại, gạch xây dựng, quặng inmenit và tinh quặng inmenit, điện sản xuất… Nguyên nhân chủ yếu do thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó khăn, hạn chế đầu ra sản phẩm, nguồn nguyên liệu sản xuất quặng inmenit và tinh quặng inmenit cạn kiệt, một số doanh nghiệp ngừng hoạt động chuyển sang đầu tư ở lĩnh vực khác; thời tiết ít mưa, các hồ chứa tập trung tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, hạn chế phát điện…
Ngoài ra, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp còn chậm, chủ yếu do người dân đòi bồi thường giá cao, chưa chịu di dời. Hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp xây dựng chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, chưa sẵn sàng đáp ứng thu hút đầu tư sản xuất ở từng địa phương, từng cụm công nghiệp cụ thể, nhất là các cụm công nghiệp do các đơn vị thuộc UBND cấp huyện làm chủ đầu tư. Công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư chưa được chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật quan tâm đúng mức.
Đồng thời, phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh quy mô sản xuất nhỏ, chưa chú trọng công tác xây dựng thương hiệu riêng cho hàng hóa... nên đã gặp nhiều khó khăn khi đưa sản phẩm ra thị trường. Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên chưa phát huy hiệu quả hoạt động kinh doanh.
“Sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sản xuất theo mùa vụ, chưa sản xuất quy mô lớn, chưa hình thành liên kết theo chuỗi giá trị trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên số lượng cung cấp không đáp ứng nhu cầu khi mở rộng thị trường”- đại diện Sở Công Thương Bình Định chia sẻ.