Quảng Ninh: Tăng cường công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 17/4/2020 triển khai thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”. Trong đó, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung các giải pháp bảo vệ trẻ em tổ chức chiến dịch truyền thông, giáo dục cho thanh thiếu nhi về kỹ năng phòng, phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em; xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện phòng chống bạo lực học đường.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đã khảo sát 1.300 học sinh của 26 trường bán trú, nội trú tại 8 huyện, thị xã, thành phố thu thập thông tin về trẻ em bị bạo lực, XHTD |
Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cũng ban hành 2 công văn trong đó tập trung các giải pháp tăng cường phòng ngừa, giảm tình trạng đuối nước, xâm hại, bạo lực trẻ em và hướng dẫn mô hình, hoạt động về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Đồng thời, Sở đã xây dựng tài liệu tuyên truyền, giáo dục về phòng chống xâm hại, bạo lực, tuyên truyền tại cộng đồng, trường học và khảo sát 1.300 học sinh của 26 trường bán trú, nội trú tại 8 huyện, thị xã, thành phố thu thập thông tin về trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục.
Theo đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em. Thông qua việc tiếp tục tuyên truyền trong cộng đồng hướng tới đối tượng trẻ em, người nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, địa bàn khó khăn ít được tiếp cận các thông tin về biện pháp phòng ngừa xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em và các địa chỉ tư vấn, hỗ trợ, đường dây nóng quốc gia bảo vệ trẻ em (111), đường dây tư vấn miễn phí của tỉnh (18001769) để thay đổi trong quản lý của gia đình, tăng cường trách nhiệm bảo vệ trẻ em của gia đình cùng với nhà trường và xã hội.
Ngoài ra, Sở sẽ tiếp tục duy trì, phát triển nhân rộng các mô hình, hoạt động truyền thông của trẻ em (như đội tuyên truyền măng non trong trường học, câu lạc bộ quyền trẻ em, hội đồng trẻ em, diễn đàn trẻ em...); nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công tác xã hội của trung tâm công tác xã hội tỉnh, các văn phòng công tác xã hội cấp huyện, xã, trường học (dịch vụ truyền thông, tư vấn, trợ giúp). Tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác phòng chống xâm hại trẻ em.