Quảng Ninh: Quyết tâm hoàn thành mục tiêu thu hút vốn FDI
Với cách làm sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, cùng quan điểm không ngừng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hết lòng phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhiều năm qua, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2024, Quảng Ninh tiếp tục gặt hái được những thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong thu hút vốn đầu tư FDI.
Mới đây, tỉnh Quảng Ninh tổ chức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Foxconn để triển khai 2 dự án có tổng vốn 551 triệu USD, nâng tổng số dự án mà Tập đoàn này đã đầu tư trên địa bàn tỉnh lên con số 5 với tổng vốn đạt gần 1 tỷ USD.
Khu Công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên. Ảnh: KLand.vn |
Foxconn là Tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng, tham gia vào 40% thị phần thiết bị điện tử tiêu dùng trên toàn thế giới, được xếp thứ 20 trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu theo Tạp chí Fortune của Mỹ.
Foxconn đầu tư vào Quảng Ninh từ năm 2019 với Dự án S-Việt Nam tại khu công nghiệp Đông Mai, Thị xã Quảng Yên có vốn đầu tư là 137 triệu USD, đến nay, dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Năm 2023, Tập đoàn tiếp tục đầu tư thêm 2 dự án với tổng vốn đầu tư là 246 triệu USD.
2 dự án mới của Tập đoàn Foxconn là Dự án Sản phẩm giải trí thông minh được đầu tư tại KCN Sông Khoai (Amata), thị xã Quảng Yên có diện tích 21,5 ha, tổng vốn 263,7 triệu USD, công suất thiết kế 4,18 triệu sản phẩm/năm và Dự án Hệ thống thông minh tại khu công nghiệp Bắc Tiền Phong (Deep C), thị xã Quảng Yên được đầu tư trên diện tích 12,4 ha, tổng vốn 287,2 triệu USD, công suất thiết kế 8,78 triệu sản phẩm/năm.
Đây là những dự án sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với mục tiêu, định hướng thu hút đầu tư, phát triển của Quảng Ninh trong giai đoạn mới, là các dự án thân thiện môi trường, có giá trị gia tăng lớn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai, tài nguyên, đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP và thu ngân sách của tỉnh.
Trước đó, Công ty Cổ phần Đô thị Amata Hạ Long và Công ty TNHH Tenma Việt Nam đã ký kết hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất với diện tích 8 ha tại khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên để triển khai dự án sản xuất linh kiện đúc nhựa, lắp ráp và khuôn đúc. Tổng số vốn đầu tư của dự án là 56 triệu USD.
Với kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh hoạt động tại Việt Nam cùng quá trình lựa chọn cân nhắc kỹ càng, Tập đoàn Tenma đã quyết định đầu tư vào Amata Hạ Long, tại tỉnh Quảng Ninh, đánh dấu dự án đầu tiên của Tenma tại tỉnh và là dự án thứ 4 tại Việt Nam. Dự kiến đến quý I/2025, dự án Tenma tại Quảng Ninh sẽ hoàn thành xây dựng, lắp đặt máy móc, tiến hành tuyển dụng nhân sự và vận hành chạy thử nghiệm.
Có thể nói, với nền hành chính hiện đại hết lòng phục vụ người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, hạ tầng đầu tư đồng bộ, năng lực cạnh tranh đứng đầu cả nước, quản trị hành chính theo hướng bền vững, hiệu quả, Quảng Ninh là một trong những địa phương hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược, nhất là những nhà đầu tư nước ngoài với những dự án công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, đáp ứng tiêu chí tăng trưởng xanh, sạch của tỉnh Quảng Ninh.
6 tháng đầu năm 2024, thu hút vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh đạt 1,55 tỷ USD, đạt xấp xỉ 52% kế hoạch năm, tăng 118% so với cùng kỳ, đứng thứ 3 cả nước (sau tỉnh Bắc Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu), chiếm 10% tổng thu hút vốn FDI cả nước là 15,2 tỷ USD. Trong đó, có 22 dự án được cấp mới giấy phép chứng nhận đăng ký đầu tư, đạt trên 1,3 tỷ USD và 16 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn, đạt gần 200 triệu USD.
Tổng số dự án FDI được cấp giấy phép trên địa bàn tỉnh hiện là 196 dự án đến từ 20 quốc gia với tổng vốn đăng ký trên 15,2 tỷ USD. Trong đó, thị xã Quảng Yên có 69 dự án với số vốn đăng ký trên 5,4 tỷ USD; thành phố Cẩm Phả có 8 dự án với số vốn đăng ký trên 4,2 tỷ USD; huyện Hải Hà có 29 dự án với số vốn đăng ký là trên 3 tỷ USD; thành phố Hạ Long có 56 dự án với số vốn đăng ký là trên 1,8 tỷ USD.
Quảng Ninh phấn đấu thu hút vốn FDI ít nhất 3 tỷ USD trong năm nay. Đây là nhiệm vụ lớn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các sở, ban, ngành, địa phương liên quan trong triển khai nhiệm vụ, đặc biệt là nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.