Quảng Ninh phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2024
Ngày 15/3/2024, tại TP. Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), Sở Công Thương phối hợp với Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng tỉnh và UBND TP. Móng Cái tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”.
Quang cảnh lễ phát động |
Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Nguyễn Hoài Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh khẳng định, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng đang ngày càng được cộng đồng xã hội quan tâm và trở nên quan trọng trong bối cảnh phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế.
Bà Nguyễn Hoài Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh phát biểu khai mạc sự kiện |
Theo đại diện Sở Công Thương, Quảng Ninh đang đã có những bước phát triển nhanh về kinh tế, đã và đang trở thành trung tâm giao lưu thương mại lớn của khu vực và quốc gia. Trong bối cảnh giao lưu thương mại lớn và sôi động như hiện nay thì tình trạng vi phạm về quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng vẫn diễn ra, nổi cộm là trên môi trường trực tuyến và thương mại điện tử.
Với việc xác định rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Quảng Ninh đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội của tỉnh triển khai thực hiện. Các đơn vị đã chủ động bám sát các chỉ đạo của tỉnh, xây dựng các kế hoạch và triển khai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, công tác thanh tra, kiểm tra… tạo sự chuyển biến đồng bộ từ nhận thức đến hành động trong công tác bảo vệ người tiêu dùng.
Qua đó, tạo sự chuyển biến về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế, xã hội trong tỉnh. Đồng thời góp phần làm lành mạnh hóa thị trường, hỗ trợ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
“Tôi mong muốn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hãy nêu cao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời doanh nghiệp hãy đưa tiêu chí bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh. Vì người tiêu dùng là nhân tố quan trọng nhất đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp”, đại diện Sở Công Thương Quảng Ninh nhấn mạnh.
Phát biểu tại lễ phát động, ông Vũ Văn Thìn, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Quảng Ninh cho rằng, công tác bảo vệ người tiêu dùng đã được các cấp, ngành, tổ chức xã hội, tầng lớp nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng.
Thời gian qua, ý thức bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đã được nâng lên. Nhiều vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng đã được phát hiện, xử lý, phạt tiền, tịch thu số lượng tài sản đáng kể hàng buôn lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều hành vi gian dối về đo lường chất lượng hàng hóa, gian lận thương mại và dịch vụ cũng bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Ông Vũ Văn Thìn, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại buổi lễ phát động |
Theo đại diện Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Quảng Ninh, hiện nay các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng ngày càng tăng cao về quy mô, hình thức và mức độ. Đặc biệt, thời gian qua, lợi dụng hình thức kinh doanh mới, các đối tượng đã lên trang mạng xã hội để quảng cáo, bán hàng online và lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo.
Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng đối với sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, đây còn là sự kêu gọi của các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp chung tay thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững.
Đại diện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ký cam kết thực hiện các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng |
Tại lễ phát động, các doanh nghiệp cùng ký cam kết không thực hiện một số hành vi gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Cụ thể, doanh nghiệp cam kết không quấy rối người tiêu dùng thông qua hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp trái với ý muốn của người tiêu dùng; phải nghiêm chỉnh chấp hành việc đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng do nhầm lẫn của tổ chức, cá nhân kinh doanh; không được yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nếu họ không muốn; không được từ chối việc bảo hành hàng hóa hoặc gây khó dễ khi tiếp nhận ý kiến phản hồi của khách hàng...