Tối 14/12, tại Cung Văn hóa Lao động Việt - Nhật, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tổ chức kỷ niệm 30 năm vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên Thế giới (17/12/1994 - 17/12/2024). Tới dự chương trình có các đồng chí: Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Vichal V.Sharma, Đại sứ, Chủ tịch Ủy ban Di sản Thế giới kỳ họp lần thứ 46.
Các tiết mục văn nghệ tại chương trình kỷ niệm. |
Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Cách đây tròn 30 năm, vào ngày 17/12/1994, vịnh Hạ Long được UNESCO ghi danh là Di sản Thiên nhiên Thế giới và là Di sản thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam. 6 năm sau (năm 2000), vịnh Hạ Long tiếp tục được mở rộng tiêu chí về giá trị địa chất - địa mạo. Đến năm 2023, Ủy ban Di sản thế giới phê duyệt mở rộng ranh giới Di sản vịnh Hạ Long bao gồm cả Quần đảo Cát Bà của TP. Hải Phòng, trở thành Di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà và là di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.
Theo ông Hoàng Đạo Cương, sự góp mặt của Vịnh Hạ Long trong danh sách các di sản thế giới của UNESCO đã khẳng định vẻ đẹp thiên nhiên, sự giàu có về cảnh quan, văn hóa và sinh thái của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và của đất nước nói chung, đồng thời cũng mở ra cơ hội cho Quảng Ninh trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ngành du lịch của tỉnh. Doanh thu từ du lịch đã đóng góp tích cực vào ngân sách tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác, đồng thời tạo việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Ông Hoàng Đạo Cương đánh giá cao ba thập kỷ qua, tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực và trách nhiệm trong việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mang tính chất tiên phong, đột phá, thể hiện sự quyết tâm ưu tiên quản lý, bảo tồn và phát huy bền vững khu di sản vịnh Hạ Long. Những thành tựu vượt trội đó cũng là minh chứng thể hiện trách nhiệm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong thực hiện Công ước về bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng chúc mừng những thành tích trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn và phát huy di sản mà tỉnh Quảng Ninh đạt được trong 30 năm qua; biểu dương các cấp, các ngành đã đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ cho doanh nghiệp và người dân tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội tại khu vực di sản; đánh giá cao UNESCO và các tổ chức quốc tế có liên quan đã luôn đồng hành, ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh, TP. Hải Phòng và các tỉnh thành khác trong khu vực và cả nước việc công nhận, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thế giới.
Ông Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: Trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, áp lực từ phát triển kinh tế, đặc biệt áp lực từ sự gia tăng du lịch, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nỗ lực, sáng tạo và đoàn kết.
Để tiếp tục phát huy các thành tựu, làm giàu di sản và hướng tới sự phát triển bền vững thông qua bảo tồn các giá trị di sản, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị tỉnh Quảng Ninh, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân tiếp tục làm tốt công tác dự báo, đánh giá, nhận diện đúng tình hình, xác định vị trí, vai trò, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và những thách thức trong quản lý; chủ động, sáng tạo trong việc huy động nguồn lực, tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ban, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế để tiếp tục có những quyết sách và hành động phù hợp trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy bền vững Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; tiếp tục phát huy vai trò, sự tham gia tích cực, trách nhiệm của người dân địa phương nơi có di sản, giúp người dân vừa tham gia bảo tồn di sản, vừa được hưởng lợi từ di sản; tiếp tục chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, gia tăng giá trị kinh tế của di sản, phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, sáng tạo, có tính cạnh tranh cao; lấy bảo tồn các giá trị của di sản làm nền tảng, làm động lực phát triển; lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm. Chủ động và tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản toàn cầu, nhất là đối với tổ chức UNESCO; quảng bá mạnh mẽ giá trị, hình ảnh văn hóa, con người, thiên nhiên của Quảng Ninh nói chung và các tiềm năng, giá trị của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long nói riêng đến với bạn bè trong nước, quốc tế và bà con kiều bào ta ở nước ngoài.
Chương trình kỷ niệm 30 năm vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh là Di sản thiên nhiên Thế giới. |
Với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới kỳ họp lần thứ 46 - ông Vichal V.Sharma đánh giá cao và tự hào với những thành tựu của cộng đồng di sản toàn cầu trong việc bảo vệ các khu di sản như vịnh Hạ Long, biểu tượng của di sản thiên nhiên và văn hóa chung của thế giới.
Ông Vichal V.Sharma cho rằng: Vịnh Hạ Long với những núi đá vôi hùng vĩ và làn nước xanh ngọc bích tĩnh lặng, không chỉ là một địa danh có vẻ đẹp tự nhiên đặc sắc mà còn là nguồn cảm hứng, minh chứng cho sức mạnh của thiên nhiên, đồng thời cũng mang trong mình ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Trong ba thập kỷ qua, khu di sản mang tính biểu tượng này đã kết nối cộng đồng trên toàn thế giới, nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc bảo tồn những di sản, kỳ quan thế giới cho các thế hệ mai sau. Trách nhiệm chung của chúng ta là bảo đảm rằng những di sản này không chỉ được bảo vệ mà còn được phát huy bền vững, thể hiện cam kết của nhân loại đối với sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển.
Ông Vichal V.Sharma cũng ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ di sản vịnh Hạ Long. Sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng địa phương, chính quyền các cấp và các tổ chức quốc tế đã bảo đảm công tác bảo tồn Di sản luôn là trọng tâm trong các chiến lược phát triển. Đặc biệt, sự kiện kỷ niệm 30 năm vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới chính là dịp tái khẳng định cam kết của chúng ta với các nguyên tắc của Công ước Di sản Thế giới. Hãy cùng nhau tiếp tục tôn vinh tinh thần hợp tác, trách nhiệm và đoàn kết đã làm nên nền tảng cho sáng kiến toàn cầu này. Đồng thời, mong Vịnh Hạ Long sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ mai sau và giữ mãi vẻ đẹp trường tồn như một biểu tượng minh chứng cho mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên.
Thay mặt tỉnh Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh trân trọng cảm ơn Trung ương Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành có mối quan hệ mật thiết trong kết nối di sản, các cơ quan của UNESCO, các chuyên gia, các tổ chức quốc tế, đã chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ giúp đỡ tỉnh Quảng Ninh trong công tác bảo tồn, quản lý và phát huy giá trị di sản.
Đến nay sau 30 năm kể từ khi được UNESCO công nhận, vịnh Hạ Long giờ đã có một diện mạo mới, các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản được bảo tồn nguyên vẹn; các tiềm năng thế mạnh được phát huy; bộ máy, cơ chế, chính sách trong quản lý, bảo vệ di sản từng bước được củng cố, hoàn thiện tạo cơ sở vững chắc cho chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị vịnh Hạ Long một cách toàn diện, bền vững.
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh thông tin: Các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên vịnh Hạ Long ngày càng đa dạng, phong phú với 8 hành trình tham quan, 5 cụm, điểm lưu trú nghỉ đêm; mở rộng không gian du lịch theo hướng phát triển các sản phẩm đặc trưng vùng miền để tăng tính kết nối khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn và Cô Tô, góp phần giảm tải hoạt động du lịch khu vực vùng bảo vệ tuyệt đối của Di sản. Nâng cao chất lượng phục vụ du lịch, xây dựng triển khai bộ quy tắc ứng xử “Văn minh du lịch”, “Nụ cười Hạ Long”.
Từ năm 1996 đến nay đã có trên 57 triệu lượt khách tham quan vịnh, thu phí tham quan đạt trên 8.600 tỷ đồng; Vịnh Hạ Long đã thực sự trở thành thương hiệu nổi tiếng của du lịch Quảng Ninh, của Việt Nam và của thế giới; là niềm tự hào của Việt Nam và là điểm đến được lựa chọn hàng đầu của du khách trong nước và quốc tế.
Có thể khẳng định, Vịnh Hạ Long đã đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh, góp phần quan trọng đưa du lịch Quảng Ninh trở thành một trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh, nâng cao đời sống nhân dân, là cầu nối trong quan hệ đối ngoại giữa Quảng Ninh, Việt Nam với đông đảo bạn bè, các đối tác, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Bà Nguyện Thị Hạnh cho biết: Hiện, tỉnh Quảng Ninh đang báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và trình Chính phủ quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long giai đoạn mới; trong đó trọng tâm là tiếp tục nghiên cứu, bổ sung dữ liệu khoa học về 2 giá trị đã được UNESCO công nhận; nghiên cứu, nhận diện và làm rõ hơn các giá trị về văn hóa - lịch sử và đa dạng sinh học của vịnh Hạ Long; chính thức lập hồ sơ đề nghị UNESCO xem xét công nhận tiêu chí văn hóa và tiêu chí đa dạng sinh học theo Công ước 1972. Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chủ động, thúc đẩy liên kết mạnh mẽ hơn với TP. Hải Phòng để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn Di sản, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền quảng bá, hợp tác quốc tế về di sản, thu hút hỗ trợ về chuyên gia, kỹ thuật và nguồn lực kinh tế trong quản lý di sản. Đặt công tác bảo vệ, bảo tồn di sản lên hàng đầu gắn liền với việc chú trọng phát triển kinh tế Di sản có chọn lọc, bền vững, tổng thể; nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch mới theo hướng phát triển du lịch chất lượng cao, khai thác, phát huy hiệu quả các giá trị, tiềm năng của Di sản, thắt chặt mối quan hệ với 7 di sản của Việt Nam là Hoàng Thành Thăng Long, Phong Nha- Kẻ Bàng, Tràng An, Thành nhà Hồ, Huế, thánh địa Mỹ sơn, Hội An đã được UNESCO công nhận cùng xây dựng chuỗi điểm đến, hành trình nổi bật trong quản lý và phát huy giá trị di sản của cả nước… xây dựng Hạ Long trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ ở khu vực và quốc tế.
Tại chương trình, các đại biểu và đông đảo nhân dân và du khách trong nước và quốc tế được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đầy tự hào, ca ngợi Di sản thiên nhiên Thế giới vịnh Hạ Long; ca ngợi mảnh đất, con người Quảng Ninh.