Quảng Ninh: Chuyển đổi mô hình quản lý chợ bước đầu mang lại hiệu quả
Ngày 22/12, Sở Công Thương Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021. Theo báo cáo từ Sở Công Thương, tính đến tháng 12/2020, trên địa bàn tỉnh hiện có 122 chợ, trong đó có 14 chợ biên giới và 15 chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020 hoạt động kinh doanh của các chợ giảm 30-40% so với năm 2019, đặc biệt là nhóm hàng may mặc, giày, dép…
Ông Lê Hồng Giang - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh khẳng định công tác chuẩn hóa ATTP tại các chợ sẽ tiếp tục được chú trọng trong năm 2021 |
Trong công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ, hiện toàn tỉnh Quảng Ninh có 23 doanh nghiệp, 4 hộ kinh doanh và 5 hợp tác xã đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác chợ bước đầu đã mang lại hiệu quả, khai thác được tiềm năng, huy động được nguồn vốn trong các thành phần kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, văn minh thương mại và tăng thu nguồn ngân sách. Hiện số chợ được đầu tư xây dựng, chuyển đổi hình thức quản lý theo mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã đi vào hoạt động là 40 chợ.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ hiện diễn ra không đồng đều tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, phần lớn các chợ chuyển đổi đều tập trung tại các thành phố, thị xã lớn; phân bổ rất ít tại các huyện và đặc biệt tại các huyện vùng sâu, vùng xa thì chưa thực hiện được việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay, việc chuyển đổi đang được triển khai thí điểm tại chợ Hạ Long I, chợ Cái Rồng (Vân Đồn) và chợ Móng Cái, sau khi đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm sẽ nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chuyển đổi còn nhiều khó khăn do các Ban quản lý chợ là đơn vị sự nghiệp công lập có số lượng người lao động nhiều; hiện trạng chợ xuống cấp, một số chợ trong quá trình hoạt động có huy động vốn góp của các tiểu thương nên rất khó trong công tác đánh giá tài sản và sắp xếp nhân sự.
Hiện việc việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ hiện diễn ra không đồng đều tại các địa phương, phần lớn các chợ chuyển đổi đều tập trung tại các thành phố, thị xã lớn |
Trong công tác an toàn thực phẩm (ATTP) tại chợ, tính đến thời điểm hiện tại, Sở Công Thương Quảng Ninh đã triển khai thực hiện bổ sung Test kit kiểm nghiệm nhanh các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại 18 chợ hạng I. Năm 2020 các điểm kiểm nghiệm nhanh tại chợ lấy 2.104 mẫu thực phẩm thì có 29 mẫu dương tính với Nitrat, chiếm 1,4% tổng số mẫu, thông qua việc xét nghiệm nhanh các chỉ tiêu ATTP đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và cảnh bảo đối với thực phẩm không an toàn, hạn chế tối đa tình trạng ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Về công tác phòng chống dịch Covid-19, Sở Công Thương đã ban hành gần 40 văn bản triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 gửi Ban quản lý các chợ, doanh nghiệp quản lý, khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh. Kết quả đến nay trên địa bàn các chợ cơ bản đã nghiêm túc triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19, trên địa bàn các chợ không có trường hợp nào bị lây nhiễm dịch. Bên cạnh đó, trong thời gian dịch diễn biến phức tạp, nhưng hàng hóa tại các chợ vẫn đảm bảo ổn định về sản lượng, đa dạng sản phẩm, giá cả cơ bản ổn định, không có tình trạng tăng giá trái quy định, găm hàng vì mục đích trục lợi.
Ngoài ra, trong công tác phòng cháy chữa cháy, cơ bản các ban quản lý chợ đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức diễn tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại chợ theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, kết quả đến nay, các chợ trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra vụ cháy lớn gây thiệt hại về người và tài sản.
Trong năm 2021, Sở Công Thương sẽ tiếp tục triển khai, hướng dẫn, tuyên truyền đến các ban quản lý chợ, đơn vị quản lý chợ trên địa bàn nghiêm túc triển khai công tác phòng chống dịch, thiên tai, phòng cháy chữa cháy. Đồng thời triển khai hiệu quả các biện pháp phòng dịch giai đoạn cao điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Ngoài ra, Sở sẽ tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, các hộ kinh doanh để kịp thời nắm bắt, chỉ đạo giải quyết. Đặc biệt là tại các nơi xây dựng chợ mới, các chợ có chủ trương di chuyển hoặc đang thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý sẽ lấy ý kiến của các hộ kinh doanh người dân trong vùng dự án về quy hoạch chợ, phương án đền bù, giải phóng mặt bằng… Bên cạnh đó, Sở sẽ tổ chức hội nghị, tập huấn công tác hoạt động kinh doanh chợ, quản lý chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Đồng thời, phối hợp UBND các địa phương kiên quyết xóa bỏ ngăn chặn việc phát sinh các loại chợ tạm, chợ cóc không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm…
Ông Lê Hồng Giang - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh - khẳng định: "Trong năm 2021, Sở Công Thương Quảng Ninh sẽ tiếp tục thực hiện chuẩn hóa ATTP tại các chợ ở địa phương trong tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh tại các chợ. Ngoài ra, Sở cũng mong muốn các đơn vị quản lý, cơ sở kinh doanh tại chợ có thể phối hợp đưa ra đề xuất để làm tốt hơn công tác quản lý chợ".