Quảng Ngãi: Các nhà máy thủy điện đảm bảo công tác vận hành
Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 12 dự thủy điện đi vào vận hành với tổng công suất 319,5 MW; trong đó có 01 dự án thuộc quy hoạch thủy điện tỉnh Kon Tum nhưng có Nhà máy nằm trên địa bản tỉnh, 02 dự án thủy lợi kết hợp thủy điện, cụ thể: Dự án Thuỷ điện Cả Đú 2,6 MW, huyện Trà Bồng, vận hành năm 2009; Dự án Thuỷ điện Hà Nang 11 MW, huyện Trà Bồng, vận hành tháng 3/2011; Dự án Thủy điện Sông Riềng 3 MW, huyện Tây Trà, vận hành tháng 01/2012; Dự án Thủy điện Nước Trong (thủy lợi kết hợp thủy điện) 16,5MW, huyện Sơn Hả, vận hành tháng 10/2012; Dự án Thủy điện Đakđrinh 125 MW, huyện Sơn Tây, vận hành tổ máy số 1 vào tháng 5/2014, tổ máy số 2 vào tháng 9/2014; Dự án Thủy điện Huy Mãng 1,8 MW, huyện Sơn Tây, vận hành tháng 5/2015; Dự án Thủy điện Sơn Trà 1A, B 60 MW, huyện Sơn Hà và Sơn Tây, vận hành tháng 4/2018; Dự án Thủy điện Sơn Tây, 18 MW, huyện Sơn Tây, vận hành tháng 9/2019; Dự án Thủy điện Núi Ngang, 0,7 MW (thủy lợi kết hợp thủy điện) vận hành tháng 01/2020; Dự án Thủy điện Sơn Trà IC 9 MW, vận hành tháng 10/2021; Dự án thủy điện Kà Tinh, 12 MW, vận hành Nhà máy 1 - 7MW vào tháng 11/2020, Nhà máy 2 - 5 MW vào tháng 1/2022; Dự án Dự án thủy điện Đăk Re – 60 MW vận hành phát điện vào tháng 7/2019, có Nhà máy nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, nhưng thuộc Quy hoạch thủy điện của tỉnh Kon Tum.
Theo đó, tính đến tháng 12/2021, trên địa bàn tỉnh đã có 12 dự án thủy điện đi vào hoạt động ổn định phát điện lên lưới điện quốc gia với sản lượng khoảng 1,47 tỷ kWh, doanh thu khoảng 1.639 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách tỉnh khoảng 352,48 tỷ đồng.
Nhà máy thuỷ điện Đăk đrinh- Sơn Tây- Quảng Ngãi |
Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi, các dự án thủy điện vận hành đã phát huy được tính chủ động cung ứng nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh; bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia đang bị thiếu hụt; góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại các huyện miền núi của tỉnh, tham gia thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn; góp phần tăng thêm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Thực tế đã thấy rõ nhờ điều tiết nước của các hồ chứa thủy điện nên đã tạo được cảnh quan sinh thái, khí hậu mát mẻ cho một số huyện miền núi, mạch nước ngầm nơi có hồ thủy điện được nâng lên; đồng thời bổ sung một lượng nước rất đáng kể vào mùa nắng hạn, mùa kiệt cho vùng hạ du. Từ khi hồ thủy điện Đakđrinh, hồ chứa nước Nước Trong và thủy điện Thượng Kon Tum đưa vào vận hành đã cung cấp nước cho hạ du với lưu lượng khoảng hơn 50 m’/s (khi chưa có các hồ này thì lưu lượng khoảng 10-15 m3/s), đảm bảo cấp nước phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.
Đáng chú ý, trong công tác thực hiện quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Quảng Ngãi, Sở Công Thương đã yêu cầu các Chủ đập phải thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý an toàn đập theo quy định. Trước mùa mưa, bão năm hàng năm, Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương có đập hồ, chứa thủy điện tổ chức Đoàn kiểm tra công tác quản lý vận quản lý an toàn đập, công tác phòng chống thiên tai của các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh. Qua kết quả kiểm tra, nhìn chung về cơ bản các Chủ hồ, đập thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập và xây dựng phương án ứng phó thiên tai, ứng phó tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa.
Về việc xây dựng và thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa hiện có 10/12 công trình thủy điện (không tính Nhà máy thủy điện Nước Trong, Núi Ngang) đang vận hành, khai thác đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt Quy trình vận hành hồ chứa. Việc vận hành liên hồ của 04 hồ chứa: thủy điện Đakđrinh, Sơn Trà 1, Đăkre, Sơn Tây đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 25/7/2018 về việc phê duyệt Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc; đối với các công trình thủy điện đang vận hành còn lại, nhiệm vụ chính là phát điện, vì hồ chứa của các công trình thủy điện này có dung tích nhỏ, không có khả năng điều tiết nước; vào mùa lũ khi lưu lượng dòng chảy của sông, suối lớn hơn lưu lượng phát điện thì nước sẽ tràn tự do qua đập tràn tự do nên không làm gia tăng nhiều về lưu lượng và đỉnh lũ đối với vùng hạ du; ngoài khả năng đảm bảo phòng chống lũ cho công trình trong mùa lũ, các công trình này không gây lũ cho hạ du.
Riêng đối với công trình thủy điện Hà Nang có dung tích 24 triệu mở (không nằm trong Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Trà Khúc do thuộc lưu vực sông Trà Bồng) đã được Bộ Công Thương phê duyệt Quy trình vận hành. Hàng năm, trước mùa mưa lũ, Ban chỉ huy phòng chống thiên tại của tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan và địa phương tổ chức kiểm tra hiện trạng công trình thủy điện Hà Nang để đánh giá khả năng vận hành của công trình trong mùa mưa lũ cũng như công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai của Chủ đầu tư trước mùa lũ, nhằm đảm bảo vận hành tuyệt đối an toàn cho công trình thủy điện Hà Nang và nhân dân vùng hạ du. Qua hơn 10 năm vận hành, công trình thủy điện Hà Nang đã trải qua nhiều đợt mưa, lũ, trong đó có 2 đợt lũ lịch sử là năm 2013 và 2020, đến thời điểm hiện nay công trình thủy điện Hà Nang vận hành đảm bảo an toàn.
Theo đánh giá, nhìn chung các nhà máy thủy điện về cơ bản đã thực hiện tốt việc vận hành phát điện; tuân thủ quy trình, quy định hiện hành về vận hành hồ chứa trong mùa lũ, không gây ảnh hưởng ngập lụt đến vùng hạ du trong mùa lũ các năm vừa qua; hiện trạng các hồ, đập thủy điện đến thời điểm hiện nay đảm bảo vận hành an toàn. Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, địa phương có dự án thủy điện kiểm tra trước mùa mưa bão năm 2022 để đảm bảo vận hành trong năm 2022.