Đoàn công tác Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm việc tại Lọc hóa dầu Bình Sơn |
Sau Hội thảo lấy ý kiến về Luật Dầu khí (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 2/8 tại thành phố Đà Nẵng, Đoàn công tác của Quốc hội do ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dẫn đoàn, cùng ông Nguyễn Việt Sơn - Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) đã đến thăm, làm việc với cán bộ, công nhân viên Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn tại tỉnh Quảng Ngãi.
Đoàn công tác của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo dẫn đoàn làm việc với Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi) |
Tại buổi làm việc, ông Bùi Ngọc Dương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được xây dựng và đưa vào sử dụng từ dự án Nhà máy Lọc dầu số 1 thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 12/1997 và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định điều chỉnh dự án đầu tư vào tháng 6/2006. Nhà máy có tổng diện tích 956ha (485ha mặt biển và 471ha đất liền) tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là công trình trọng điểm quốc gia có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất thiết kế là 6,5 triệu tấn dầu thô/năm với dầu thô thiết kế là 85-100% dầu Bạch Hổ và sản phẩm chính là Mogas 92/95, Diesel, Jet A1, FO, LPG, Propylene, Polypropylene.
Trong năm 2021, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã quản trị biến động, tận dụng cơ hội, điều hành quyết đoán, bán hàng linh hoạt, kết hợp vừa chống dịch vừa duy trì vận hành sản xuất liên tục..., ứng phó hiệu quả với ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm trong năm, nhưng BSR vẫn nộp ngân sách nhà nước đạt 11.379,3 tỷ đồng, góp phần hoàn thành vượt kế hoạch nộp ngân sách Nhà nước của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn nói riêng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói chung và rất có ý nghĩa cho ngân sách Nhà nước trong bối cảnh nguồn chi lớn.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn xây dựng kế hoạch và mua dầu thô cho các tháng đầu năm theo phương án vận hành 100% công suất thiết kế. Tuy nhiên trước thực tế Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn vận hành không ổn định, nhu cầu thị trường dịp Tết nguyên đán tăng, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine gây ra khủng hoảng năng lượng (đặc biệt tại Liên minh châu Âu), phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch, đầu tư vào thượng nguồn giảm sau nhiều năm, dự trữ quốc gia của các nước giảm mạnh.... dẫn tới thiếu hụt nguồn cung, giá đẩy lên cao... Nhưng Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã linh hoạt, quyết đoán trong điều hành sản xuất kinh doanh nên luôn duy trì Nhà máy lọc dầu Dung Quất vận hành an toàn, liên tục, ổn định và hiệu quả ở công suất tối ưu.
Ông Nguyễn Việt Sơn (bìa trái) - Vụ trưởng Vụ Dầu khí & Than (Bộ Công Thương) tại buổi làm việc. |
Đến thời điểm hiện tại, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã chính thức nghiệm thu và đưa vào vận hành thương mại được hơn 12 năm. Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã cung cấp cho thị trường nội địa khoảng 80 triệu tấn sản phẩm; đã đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng hơn 195 nghìn tỷ đồng và tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 1.500 người lao động. Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã đóng góp khoảng hơn 250 tỷ đồng cho các chương trình an sinh xã hội trong cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn luôn cam kết các hoạt động sản xuất kinh doanh bảo đảm an toàn và thân thiện với môi trường. Nỗ lực phấn đấu sản lượng sản xuất và xuất bán trong 6 tháng cuối năm 2022 cũng sẽ tương đương 6 tháng đầu năm (khoảng 3,4 triệu tấn dầu), phấn đấu nộp ngân sách Nhà nước cao nhất có thể - ước đạt trên 4 nghìn tỷ đồng.
Một góc nhà máy Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn. |
Để hỗ trợ Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai và góp phần tích cực vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nguồn thu ngân sách nhà nước, ông Bùi Ngọc Dương mong muốn được Quốc hội hỗ trợ xem xét các chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, ưu đãi, thúc đẩy đầu tư… cho các dự án phát triển hoá dầu, chuyển dịch năng lượng, sản xuất năng lượng xanh…
Thay mặt Đoàn công tác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất giữ vai trò tiên phong và đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam, đồng thời là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khâu sau của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Kết quả sản xuất kinh doanh thống kê từ 2009 đến nay đã chứng minh rằng, việc đầu tư Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là chủ trương đúng đắn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; góp phần gia tăng nộp ngân sách nhà nước cũng như địa phương, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và cung cấp nhiên liệu cho quốc phòng, là động lực thúc đẩy các ngành dịch vụ và kinh tế khu vực vùng miền.
Về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, sau phiên làm việc buổi sáng, Đoàn công tác của Quốc hội đã tiếp thu nhiều ý kiến quan trọng, có giá trị liên quan đến hoạt động ngành dầu khí. Ngay sau phiên họp, Đoàn công tác đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tư tới nhằm tạo hành lang pháp lý phát triển ngành dầu khí trong tình hình mới.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Kết thúc buổi làm việc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết sẽ tiếp thu những đánh giá, chỉ đạo của Đoàn công tác của Quốc hội, đặc biệt là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo, các vấn đề liên quan đến hoạt động dầu khí nói chung, các vấn đề khó khăn, vướng mắc của Công ty. Đồng thời bày tỏ lòng cảm ơn trước sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thời gian qua đã động viên, hỗ trợ Công ty hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.
Đoàn công tác của Quốc hội tham quan Phòng kỹ thuật - Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn. |
Đoàn công tác của Quốc hội tặng quà động viên cán bộ, công nhân viên Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn. |