Quảng Nam thành lập Tổ công tác đặc biệt "gỡ khó" cho doanh nghiệp
Ngày 16/5, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh làm tổ trưởng, 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang và Hồ Quang Bửu làm Tổ phó và 11 thành viên là lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Trong 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp Quảng Nam liên tiếp giảm sâu |
Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh hoặc tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết đối với các nội dung vượt thẩm quyền của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng thời, giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các Sở, Ban, ngành và địa phương; kịp thời đề xuất khen thưởng, kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan.
UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan thường trực của Tổ công tác chịu trách nhiệm định kỳ hằng quý có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương báo cáo các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để tổng hợp, tham mưu Tổ trưởng, Tổ phó trực chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Được biết, trong 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp Quảng Nam liên tiếp giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022 với mức giảm lần lượt là: -42,6%; -20,9%; -21,5% và - 32,7%, đã cho thấy bức tranh tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn.
Nguyên nhân chính là do năng lực nội tại của các doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn, cộng với những khó khăn về thị trường, việc thiếu hụt đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao, nguồn vật tư khan hiếm… khiến nhiều doanh nghiệp công nghiệp phải thu hẹp sản xuất.
Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải cơ cấu lại kế hoạch sản xuất, đồng thời giảm giờ làm hoặc cắt giảm lao động để giảm bớt chi phí đầu vào, dẫn đến chỉ số sử dụng lao động trong tháng 4/2023 giảm 0,15% so với tháng trước và giảm 7,6% so với cùng thời điểm năm 2022. Trong đó, chỉ số sử dụng lao động giảm chủ yếu khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 11,2%, khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 4,1% và khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 2,8%.
Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1.210 triệu USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 631,8 triệu USD, giảm 40,5%; xuất khẩu đạt 578,3 triệu USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ.