Quảng Nam: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP
Đến cuối năm, các địa phương đều có ít nhất 01 điểm bán hàng OCOP
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành kế hoạch triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024.
Theo đó, mục tiêu nhằm phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn. Đồng thời, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Hơn nữa, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm có lợi thế ở khu vực nông thôn góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Thông qua việc phát triển sản xuất tại địa bàn khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; hạn chế nông dân di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn.
Quảng Nam phấn đấu đến cuối năm 2024, tất cả 18 huyện, thị xã, thành phố đều có ít nhất 01 điểm bán hàng OCOP. |
Về phát triển sản phẩm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn cho biết, tỉnh sẽ hỗ trợ phát triển/nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận, phấn đấu trong năm 2024 có ít nhất 70% số sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó có từ 15 đến 20 sản phẩm 4 sao. Về phát triển tổ chức kinh tế, hỗ trợ củng cố, nâng cấp/thành lập mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế (doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX) tham gia OCOP.
“Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu 100 % chủ thể đăng ký tham gia có cam kết sản xuất sản phẩm theo đúng quy định về an toàn thực phẩm; bao bì, nhãn mác, đóng gói được nâng cấp đảm bảo quy định; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong quá trình sản xuất, lưu thông cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm”, ông Tuấn thông tin.
Tỉnh Quảng Nam sẽ đầu tư xây dựng/nâng cấp các điểm, trung tâm bán hàng OCOP cấp huyện. Đảm bảo đến cuối năm 2024, tất cả 18 huyện, thị xã, thành phố đều có ít nhất 01 điểm bán hàng OCOP (ngoài sản phẩm OCOP của địa phương, kết nối sản phẩm OCOP của các địa phương khác trong tỉnh, kể cả sản phẩm OCOP ngoài tỉnh). Phấn đấu các sản phẩm sau 01 năm được công nhận OCOP hạng 3 sao trở lên tăng doanh thu và lợi nhuận lên ít nhất 1,5 lần so với thời điểm sản phẩm chưa tham gia OCOP.
Đồng thời, tổ chức ít nhất 02 cuộc Hội chợ chuyên đề về sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh, ít nhất 01 đợt xúc tiến thương mại ra nước ngoài; tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình OCOP năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Ưu tiên sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, đến cuối năm 2023, tỉnh đã đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận cho 364 sản phẩm OCOP; trong đó, có 306 sản phẩm 3 sao, 58 sản phẩm 4 sao. Cấp huyện Quyết định công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023 cho 51 sản phẩm (gồm 36 sản phẩm mới và 15 sản phẩm công nhận lại).
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn, năm 2024, Quảng Nam sẽ ưu tiên phát triển những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương, chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất; sử dụng lao động địa phương, đảm bảo gia tăng giá trị, không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đặc biệt, quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, Organic, GMP, HACCP, ISO...
Hạn chế tối đa sản phẩm tươi sống, sản phẩm thô chưa qua sơ chế biến, sản phẩm trùng lắp (nhiều chủ thể đăng ký một loại sản phẩm, nhưng chất lượng, mẫu mã bao bì thiếu cải tiến). Sản phẩm đăng ký cần phải đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, tránh trường hợp sau khi đăng ký, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không triển khai thực hiện.
“Đồng thời, tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi; hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ nông sản để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác đúng quy định; xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc để dễ tiếp cận và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng; các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên đều phải có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nhãn hàng hoá đúng quy định”, ông Tuấn cho hay.
Tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP. |
Để tổ chức thực hiện tốt Chương trình OCOP năm 2024, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức thuê tư vấn có chuyên môn để hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng 05 sao OCOP cấp Trung ương.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng nhiệm vụ, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP theo đúng quy định; thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động thương mại, đánh giá tính hiệu quả đối với hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tham mưu xây dựng quy chế quản lý trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, định kỳ, hằng năm tổ chức các lớp tập huấn về công tác xúc tiến thương mại cho chủ thể OCOP. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, thương mại điện tử trong hoạt động bán hàng, phát triển bán hàng OCOP qua mạng.
Trong đó, thực hiện thử nghiệm và nhân rộng mô hình điểm bán hàng OCOP; các tuyến phố OCOP; hệ thống phân phối sản phẩm OCOP trên các phương tiện giao thông, sân bay, các khu du lịch, khách sạn lớn; các mô hình xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ số; các Trung tâm giới thiệu OCOP đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, gắn với khai thác lợi thế về du lịch nông thôn…