Quảng Nam: Cảnh báo tình trạng xâm phạm lưới điện cao áp
-Điển hình là vụ khai thác cây rừng tại xã Cà Dy (huyện Nam Giang), làm đứt đường dây 35 kV mất điện thi công Thủy điện Sông Bung 4 trong hơn 1 tháng; vụ khai thác rừng tại xã Tà Bhing, làm đứt dây xuất tuyến 471-E156; hay 2 vụ chặt cây làm đứt dây xuất tuyến 571-T71, tại xã Cà Dăng (Đông Giang), và đường dây 35 kV 372 H1 tại xã Đại Hưng (Đại Lộc).
Địa bàn quản lý của Điện lực Tiên Phước cũng xảy ra nhiều vụ, nhưng đỉnh điểm gây dư luận dai dẳng là vụ khai thác gỗ tại khu rừng cấm phía trước trụ sở UBND xã Trà Nam, kéo gãy 2 trụ và cháy bình biến áp 15kVA. Vụ việc xảy ra ngay thời điểm triển khai bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, vì vậy ngành điện phải cấp tốc chuẩn bị kinh phí, vật tư hơn 120 triệu đồng khôi phục lưới điện, địa phương phải bỏ tiền kéo 500 mét dây và “mượn điện” tạm để phục vụ bầu cử.
Chị Trần Thị Nhì, một người dân ở xã Trà Nam, bức xúc: “Ba tháng rồi mà người gây ra sự cố đứt dây, nổ bình còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật; người dân chúng tôi thì mong chờ từng ngày, từng giờ để có điện lại.”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, kẻ gây ra sự cố cho lưới điện thường nhanh chân tẩu thoát, vì lo sợ phải đền bù thiệt hại cho ngành điện. Một công nhân ở tổ lưới, Điện lực Thăng Bình cho biết: “Phần lớn những vụ chặt cây xâm hại lưới điện đều xảy ra ở vùng rừng núi, nơi vắng vẻ hoặc trong vườn nhà dân. Hầu như lần nào cũng vậy, công nhân đến chỉ để giải quyết “chuyện đã rồi”, như lập biên bản, đề nghị truy tìm thủ phạm và xử lý sự cố”. Trong tổng số hơn 35 vụ chặt cây xâm hại lưới điện từ đầu năm đến nay, chỉ có một trường hợp duy nhất xác định được đối tượng, nhưng việc quy trách nhiệm đền bù đến thời điểm này vẫn còn quá nhiêu khê.
Khi được hỏi về nguyên nhân của thực trạng này, ông Võ Thí, Trưởng phòng Quản lý điện năng, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, khi xây dựng các công trình điện bao giờ cũng phải có sự phối hợp giữa chủ đầu tư và địa phương trong việc tính toán, xác định các phương án đền bù giải tỏa hành lang an toàn lưới điện cao áp. Ngành điện sẽ không đóng điện nếu có tồn tại về hành lang an toàn lưới điện. Thế nhưng khi công trình vận hành được vài năm thì việc xây dựng, cơi nới nhà cửa, trồng cây trong hành lang tuyến lại tái diễn; nơi này vừa được kiểm tra xử lý xong thì nơi khác lại “rộ” lên. Năm 2005, khi Nghị định 106/NĐ-CP của Chính phủ ra đời, ban hành các qui định về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp thì tình trạng nhà cửa, lều quán vi phạm hành lang tuyến được giải quyết một bước cơ bản. Nhưng cây cối thì lại khác, người dân thường tận dụng đất trồng cây trong hành lang tuyến, hoặc cây cũ tái sinh từng ngày, từng giờ “lớn lên”. Lúc này nếu đốn cây, tỉa cành một cách cẩu thả sẽ dẫn đến đổ vào lưới điện là điều không tránh khỏi.
Định kỳ hàng quý, các điện lực tổ chức kiểm tra phát quang cây cối dọc theo hàng nghìn ki-lô-mét đường dây điện cao áp toàn tỉnh. Đa số lãnh đạo địa phương và chủ cây trồng thống nhất, phối hợp, hỗ trợ cùng ngành điện phát dọn hành lang tuyến. Tuy nhiên, không ít trường hợp công nhân điện gặp sự chống đối, cản trở quyết liệt của chủ cây khi đến liên hệ chặt cây, tỉa cành.
Mới đây, trước tình hình sự cố lưới điện gia tăng, Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam đã chỉ đạo các điện lực khu vực tập trung kiểm tra, phát quang triệt để để bảo đảm an toàn hành lang tuyến ở những nơi có sự cố bất thường thoáng qua nhiều như các xuất tuyến 372E156, 372H1, 372T91, 372T62, 471E156, 473E154, 373E15, 374E15...; đồng thời phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo để người dân hiểu và tham gia bảo vệ lưới điện. Đối với việc người dân xin khai thác rừng trồng, các điện lực phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện, thành phố kiểm tra, xác định các vị trí và thời gian được phép khai thác để chủ động hướng dẫn cách thức chặt cây ở những vùng có lưới điện cao áp chạy qua nhằm đảm bảo an toàn cho người dân cũng như ngăn ngừa tình trạng cây ngã đổ vào đường dây gây sự cố.
Thiết nghĩ, việc đảm bảo an toàn hành lang lưới điện cần có tiếng nói chung và có cam kết, quy chế phối hợp giữa xã, phường và điện lực khu vực. Không nên cho rằng việc bảo vệ lưới điện là của riêng ngành điện, vì như vậy nguy cơ sự cố về điện gây thiệt hại về người và tài sản của người dân sẽ không tránh khỏi, nhất là mùa mưa bão đang đến rất gần.
Bài và ảnh: Phương Lan