Quảng Bình: Việc thực hiện chi trả tín chỉ cacbon còn nhiều trở ngại
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, việc bán tín chỉ carbon là nội dung mới hiện đang thực hiện thí điểm, nên trong quá trình triển khai có phát sinh một số khó khăn đang vướng mắc trong Nghị định số 107 của Chính phủ.
Quảng Bình là 1 trong 6 tỉnh được lựa chọn tham gia thí điểm bán tín chỉ carbon vùng Bắc Trung Bộ theo Nghị định số 107 của Chính phủ. Trong năm 2023, Quảng Bình được phân bổ 82,476 tỉ đồng. Đối tượng hưởng lợi gồm: 10.762 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; 16 chủ rừng là tổ chức; 71 UBND cấp xã được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng và 9 chủ rừng là tổ chức khác được giao quản lý rừng. Tổng diện tích được chi trả theo kế hoạch được UBND tỉnh Quảng Bình phê duyệt là 469.317 ha. Cụ thể, diện tích phải chi trả: 469.317 ha; diện tích đã chi trả: 424.148 ha; diện tích còn lại phải chi trả: 45.169 ha.
Nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng, suy thoái rừng, tăng cường trữ lượng carbon rừng, bảo tồn trữ lượng carbon rừng và quản lý rừng bền vững cần tiếp tục bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng tự nhiên theo hướng nâng cao chất lượng rừng.
Ông Bạch Thanh Hải- Giám đốc Ban quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong chia sẻ, đơn vị đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính, giai đoạn 2023 - 2025. Tổng các mức kinh phí để thực hiện tổ chức quản lý, hỗ trợ, phát triển và bảo vệ rừng trong chương trình Giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) gần 5 tỷ đồng.
“Thời gian quan, Ban Quản lý đã xây dựng kế hoạch tài chính năm 2023 nguồn thu từ Thảo thuận chi trả nguồn giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ năm 2023 được BQL Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong xây dựng trên cơ sở thực tiễn về nhu cầu thực hiện các nhiệm vụ tại đơn vị, bám sát theo các văn bản hướng dẫn hiện hành của Nhà nước; nội dung chi, định mức kinh tế - kỹ thuật tuân thủ quy định; đối tượng hưởng lợi được xác minh, rà soát đảm bảo đủ điều kiện và khối lượng thực tế”- ông Hải cho biết thêm.
Bên cạnh những thuận lợi được Chính phủ hỗ trợ, tại tỉnh Quảng Bình vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình chi trả tiền cho việc bán tín chỉ carbon.
Việc sự dụng nguồn lợi từ nguồn thu tín chỉ cacbon còn gặp một số vướng mắc |
Ông Hoàng Văn Lình- Chủ tịch UBND xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, cho hay: Là xã miền núi do đó địa phương thuộc diện có nhiều chủ rừng được nhận hỗ trợ chi trả chia sẻ, còn nhiều vướng mắc nên người dân, các chủ rừng và bà con nơi đây vẫn chưa nhận được số tiền tín chỉ cacbon được chi trả. Được biết, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, xã cũng đang chờ văn bản hướng dẫn các thủ tục để kịp thời hỗ trợ tiền cho các chủ rừng giúp ổn định phát triển kinh tế và sản xuất.
Theo đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho hay, quá trình triển khai thực hiện ERPA luôn nhận được chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành, địa phương, các đơn vị chủ rừng.
Tuy nhiên còn một số khó khăn, vướng mắc trong kế hoạch chi trả giảm phát thải ERPA là nội dung mới, thực hiện thí điểm, nên trong quá trình triển khai thực hiện có phát sinh một số khó khăn vướng mắc do trong Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 chưa quy định, hoặc có quy định nhưng chưa cụ thể, chưa rõ ràng.
Theo đó, tại điểm c khoản 2 Điều 3 quy định nguyên tắc “chi không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách Nhà nước”. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang được bố trí kinh phí từ các chương trình, dự án thuộc ngân sách Nhà nước để bảo vệ.
Nếu thực hiện theo quy định nêu trên sẽ không có diện tích để thực hiện việc giao khoán. Tại khoản 2 Điều 5 quy định về đối tượng tham gia thỏa thuận quản lý rừng với chủ rừng tổ chức là cộng đồng dân cư, trong khi diện tích rừng tự nhiên chủ yếu vùng sâu, vùng xa, dọc biên giới Việt - Lào những nơi có rất ít hoặc không có cộng đồng dân cư sinh sống. Do vậy, chủ rừng là tổ chức không thể thực hiện khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư. Ngoài ra, tại điểm c khoản 3 Điều 9 chưa quy định thẩm quyền phê duyệt kế hoạch tài chính hàng năm đối với chủ rừng là lực lượng vũ trang, do vậy chưa có cơ sở để hướng dẫn cho các chủ rừng này.
Được biết, các văn bản được ban hành vào những tháng cuối năm (kế hoạch tài chính tổng thể được ban hành tháng 11/2023, Sổ tay hướng dẫn được ban hành tháng 12/2023). Do vậy, địa phương khi triển khai gặp nhiều khó khăn về tiến độ thực hiện nhiệm vụ.